Trong bối cảnh đàm phán giải ngân khoản cứu trợ 7,2 tỷ euro (8,12 tỷ USD) cho Hy Lạp trước thời hạn chót 30/6 tiếp tục bế tắc, "xứ sở thần thoại" tiếp tục hứng chịu thêm một sức ép mới khi hãng xếp hạng quốc tế Standard & Poor's (S&P) đã hạ bậc tín nhiệm dài hạn của nước này từ "CCC" xuống "CCC-" với triển vọng tiêu cực, tiến gần hơn đến nguy cơ "mất khả năng trả nợ".Trong tuyên bố đưa ra ngày 29/6, S&P cho rằng việc Hy Lạp lên kế hoạch tiến hành cuộc trưng cầu ý dân về những đề xuất trả nợ của các chủ nợ cũng đồng nghĩa Chính quyền Thủ tướng nước này Alexis Tsipras ưu tiên vấn đề chính trị trong nước hơn sự ổn định tài chính và kinh tế cũng, việc thanh toán các khoản nợ thương mại cũng như vấn đề thành viên của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).
Người dân xếp hàng chờ rút tiền bên ngoài chi nhánh Ngân hàng quốc gia Hy Lạp đã đóng cửa ở Thessaloniki ngày 29/6. Ảnh: AFP/ TTXVN |
Theo S&P, việc chính quyền của ông Tsipras khó có thể đạt được một thỏa thuận với các chủ nợ quốc tế về kế hoạch trả nợ là một dấu hiệu cho thấy Athens nhiều khả năng sẽ không thể thanh toán các khoản nợ đúng thời hạn chót 30/6 theo cam kết, trong đó có 1,5 tỷ euro (1,7 tỷ USD) phải trả cho Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF). Do đó, hãng này quyết định hạ bậc tín nhiệm của Hy Lạp xuống "CCC-", đồng thời cảnh báo quốc gia châu Âu này sẽ không tránh khỏi nguy cơ vỡ nợ trong 6 tháng tới và khả năng nước này rời Eurozone là 50% nếu thiếu thỏa thuận với các chủ nợ.
Trong khi đó, cùng ngày, hãng Fitch cũng hạ mức xếp hạng 4 ngân hàng hàng đầu của Hy Lạp xuống mức "vỡ nợ từng phần" sau khi chính phủ yêu cầu các ngân hàng thương mại đóng cửa trong vòng một tuần và áp đặt các biện pháp kiểm soát vốn.
Chính phủ Hy Lạp hiện đứng trên bờ vực vỡ nợ và đang nỗ lực tìm ra một kế hoạch cải cách được các bên chấp nhận để được giải ngân khoản cứu trợ 7,2 tỷ euro vô cùng cấp thiết cho đất nước cạn kiệt nguồn tiền mặt trước khi gói cứu trợ quốc tế sẽ hết hạn vào cuối tháng 6.
Ngày 27/6, Chính phủ Hy Lạp đã kêu gọi tiến hành một cuộc trưng cầu dân ý vào ngày 5/7 tới để cử tri Hy Lạp có thể quyết định về việc có chấp nhận hay không các điều kiện cứu trợ mới khắc nghiệt hơn mà bản thân chính phủ nước này cũng phản đối. Thủ tướng Tsipras cho biết trong quá trình thảo luận những tháng gần đây với các chủ nợ, Hy Lạp đã có "một nỗ lực thương lượng chân thành... về một thỏa thuận có lợi đôi bên" nhưng việc các bên đàm phán từ chối xem xét các đề xuất của Athens cho thấy ý muốn "trừng phạt một tiếng nói khác biệt ở châu Âu".