Cùng với Gò Quao, Châu Thành là một trong những huyện có tỉ lệ đồng bào dân tộc Khmer cao nhất trên địa bàn tỉnh Kiên Giang với 49.150 nhân khẩu, chiếm hơn 31% dân số toàn huyện.
Đại đức Danh Pu được người dân ở xã Thạnh Lộc, huyện Châu Thành gọi bằng cái tên thân mật là Sư Pu. Sư Pu là người Khmer sinh ra và lớn lên ngay tại xã Thạnh Lộc nên rất hiểu những khó khăn, thiếu thốn của một vùng quê nghèo với phần lớn là đồng bào dân tộc Khmer.
Năm 2008, được Ban Quản trị chùa Tà Bết và các phật tử trong vùng tín nhiệm, Sư Pu được bầu làm Trụ trì chùa Tà Bết để vừa coi sóc, quản lý chùa, vừa chăm lo đời sống của bà con, phật tử trong vùng.
Theo Sư Pu, xã Thạnh Lộc trước đây là địa bàn vùng sâu của huyện Châu Thành, giao thông đường bộ gần như không có, kênh rạch lại chằng chịt nên đời sống người dân bị ảnh hưởng rất nhiều, đặc biệt là việc đi, học tập của các em nhỏ rất khó khăn.
Năm 2014, thấy người dân trong vùng cùng nhau đóng góp xây dựng đường giao thông nông thôn nên Sư Pu đã chủ động cùng các chư tăng chùa Tà Bết phát tâm kêu gọi các nhà hảo tâm ủng hộ kinh phí, xây dựng cầu, làm đường trên địa bàn xã Thạnh Lộc.
Sư Pu cho hay, lúc đầu việc vận động kinh phí gặp nhiều khó khăn bởi Sư Pu chưa có mối liên hệ rộng rãi. Về sau, được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, bà con trong vùng nên các nhà hảo tâm đã biết đến nhiều và tìm về để hỗ trợ kinh phí, giúp Sư Pu xây dựng cầu, đường phục vụ nhân dân.
Tính đến nay, Sư Pu đã vận động được gần 2 tỷ đồng cùng hàng nghìn ngày công của các chư tăng, phật tử, đồng bào các dân tộc tại địa phương để xây dựng 9 cây cầu, 1 con đường.
Trong đó, có hai cây cầu lớn là Xóm Giữa và Kênh Ba Xã. Riêng con đường đi vào chùa Tà Bết ở ấp Thạnh Bình có chiều dài 550m, rộng 4,1m với kinh phí 600 triệu đồng là do trực tiếp Sư Pu và 300 người dân, phật tử, chư tăng tham gia đổ bê tông.
Bà Lê Kim Nhật, ngụ ấp Thạnh Hưng, xã Thạnh Lộc cho biết: Trước đây, bà con trong xã đi lại khó khăn lắm, nhà nào cũng phải đi bằng đò mới ra được chợ, đời sống thiếu thốn nhiều. Từ khi lên làm Trụ trì chùa Tà Bết, Sư Pu luôn tích cực quan tâm đến đời sống người dân, phật tử.
Từ năm 2014 đến nay, giao thông đi lại ngày càng dễ dàng cũng nhờ Sư Pu vận động xây dựng. Người dân rất mừng, đời sống cũng được cải thiện, có nhà mới khang trang hơn trước, con cái đi học cũng thuận lợi hơn…
Ngoài việc vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ xây dựng cầu, đường, Sư Pu còn vận động kinh phí để mua vở viết, phát quà từ thiện cho các học sinh nghèo có hoàn cảnh khó khăn; vận động con em đồng bào dân tộc Khmer học tiếng Khmer miễn phí trong chùa Tà Bết vào dịp hè…
Nhận xét về Sư Pu, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Thạnh Lộc, huyện Châu Thành Lê Khắc Giang nhấn mạnh: Là thành viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Thạnh Lộc, Đại đức Danh Pu luôn phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt các chương trình, kế hoạch của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp.
Trong các dịp lễ, Tết cổ truyền của người Khmer, Đại đức Danh Pu tuyên truyền để người dân đoàn kết, tương trợ giúp đỡ nhau cùng vươn lên, cải thiện cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc thông qua các phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Đặc biệt, những công trình cầu, đường Đại đức Danh Pu đã vận động được đều có ý nghĩa lớn với bà con các dân tộc, góp phần thực hiện an sinh xã hội tại địa phương.