Dự kiến cuối năm nay Bến Tre sẽ công nhận 5 xã đầu tiên đạt chuẩn nông thôn mới sau hơn 2 năm triển khai. Cùng với cả nước, việc triển khai Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã góp phần giúp Bến Tre chuẩn hóa hệ thống cơ sở hạ tầng. Đây là một bước phát triển mới, tiếp nối những thành tựu mà quê hương Đồng Khởi đã đạt được sau hơn năm khắc phục hậu quả chiến tranh, phát triển kinh tế - xã hội.
Đi lên từ đống đổ nát
Sau ngày giải phóng, Bến Tre gặp rất nhiều khó khăn so với mặt bằng chung của cả khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Bước ra khỏi cuộc chiến tranh kéo dài với tư thế của người chiến thắng, nhưng cũng như nhiều tỉnh, thành khác trong cả nước, Bến Tre phải đương đầu với không ít khó khăn do hậu quả chiến tranh để lại. Toàn tỉnh có hơn 30.000 ha đất ruộng bị hoang hóa, hơn 50% diện tích dừa bị tàn phá bởi bom pháo, chất độc da cam/điôxin, rừng ven biển gần như bị hủy diệt. Hệ thống giao thông đường bộ gần như bị phá nát, đi lại hết sức khó khăn. Thế “cù lao” lại tiếp tục cản trở các nỗ lực phát triển kinh tế - xã hội của Đảng bộ và nhân dân quê hương Đồng Khởi. Theo thống kê chính thức, toàn tỉnh có hơn 35.000 liệt sĩ, trên 15.000 thương binh và 1.500 người hưởng chính sách trợ cấp hàng tháng. Bến Tre cũng có 2.162 Mẹ Việt Nam anh hùng được công nhận và là tỉnh đứng thứ hai cả nước chỉ sau Quảng Nam.
Đường vào xã Châu Bình dự kiến sẽ là xã nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Bến Tre. |
Tuy nhiên, với ý chí kiên cường và tinh thần vượt khó, cộng với sự quan tâm đầu tư của Trung ương, Đảng bộ và nhân dân Bến Tre đã vươn lên nhanh chóng và đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống người dân. Các công trình thủy lợi lớn được đầu tư đã giúp rửa mặn, xổ phèn cho hàng trăm ngàn ha đất, tình trạng hoang hóa không còn, người dân tại khắp các địa phương đang tận dụng những thửa ruộng, mảnh vườn để tập trung trồng chuyên canh các loại cây có giá trị kinh tế cao theo hướng xuất khẩu. Tỉnh cũng hình thành hai khu công nghiệp lớn là An Hiệp và Giao Long, giúp giải quyết việc làm cho hàng chục ngàn lao động địa phương. Thêm vào đó, tỉ lệ hộ nghèo và cận nghèo hiện chỉ còn khoảng hơn 10%, so với hơn 40% sau giải phóng. Điểm qua các thành tựu, không thể không nhắc đến hệ thống giao thông. Với địa thế cù lao, sông rạch chằng chịt lại bị chiến tranh tàn phá nặng nề, hiện Bến Tre đã trở thành tỉnh có hệ thống đường sá đi lại thuộc loại thuận tiện nhất của cả khu vực. Tiếp sau cầu Rạch Miễu và Hàm Luông, cầu Cổ Chiên đang được xây dựng hứa hẹn sẽ tạo thêm một cú hích mới đối với tỉnh.
Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Bến Tre đã chọn 25 xã làm “điểm” tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng và xác định đây là khâu đột phá. Công tác tuyên truyền sâu rộng đã phát huy hiệu quả, người dân tại hầu khắp các địa phương đã hiểu rõ ý nghĩa, mục đích của chương trình. Hàng ngàn gia đình đã đóng góp tiền bạc, đất đai, công lao động để cùng với Nhà nước xây mới, sửa chữa đường sá, các công trình thủy lợi. Chỉ tính riêng trong năm 2012 đã có gần 250 km đường giao thông nông thôn được xây dựng với kinh phí gần 250 tỉ đồng; gần 400 km kênh mương nội đồng được nạo vét... Tổng nguồn vốn đầu tư cho xây dựng nông thôn mới trong năm 2012 gần 700 tỉ đồng, trong đó nhân dân đóng góp hơn 150 tỉ đồng, phần còn lại là từ ngân sách, vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án và một số nguồn khác.
Căn cứ cách mạng chuyển mình
Trong số 25 xã được chọn làm điểm triển khai chương trình, có rất nhiều địa phương trước đây là vùng căn cứ cách mạng, vùng sâu, vùng xa. Từ điều kiện giao thông đi lại khó khăn, cơ sở vật chất gần như không có gì thì nay các địa phương này đã chuyển mình, trở thành những “cánh chim đầu đàn” của tỉnh. Xã Châu Bình (huyện Giồng Trôm) là một trong những địa phương điển hình trong việc đi lên từ gian khó.
Nông dân Sơn Định, huyện Chợ Lách thu hoạch chôm chôm. |
Từng là căn cứ cách mạng trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, sau giải phóng, Châu Bình là xã đặc biệt khó khăn của tỉnh Bến Tre. Nơi đây được mệnh danh là xứ “bảy không”: không điện, không đường, không trường, không trạm, không nước ngọt, không xe đạp và không nhà kiên cố. Ông Đào Minh Huệ, nguyên Bí thư Đảng ủy và hiện là Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã, cho biết, xã có 47 Mẹ Việt Nam anh hùng, 488 liệt sĩ, 236 thương binh..., thuộc loại cao nhất tỉnh. “Nếu có thua thì chỉ thua Phước Hiệp, Mỏ Cày - quê hương Đồng Khởi”, ông Huệ nói.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Bến Tre, cuối năm nay toàn tỉnh sẽ có 5 xã hoàn thành 100% các tiêu chí nông thôn mới, bao gồm: Châu Bình (huyện Giồng Trôm), Sơn Định (huyện Chợ Lách), Phú Nhuận (TP Bến Tre) Hữu Định và Quới Sớn (huyện Châu Thành). Hiện Châu Bình đang dẫn đầu với 16/19 tiêu chí, các xã còn lại đạt từ 9 - 10/19 tiêu chí nông thôn mới. Theo đề án tổng thể xây dựng nông thôn mới tỉnh Bến Tre giai đoạn 2011 - 2015, nhu cầu vốn cần cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng cho 124 xã được chọn trong giai đoạn này hơn 16.000 tỉ đồng. |
“Cái khó nhất cản trở Châu Bình vươn lên sau giải phóng chính là nước ngọt. Hơn 10 năm trời, hàng trăm ha đất bị hoang hóa do nhiễm mặn, phèn nặng, cây trồng không sinh trưởng được. Lúa chỉ trồng được một vụ, năng suất rất thấp, nhà nào gặt được 2 tấn/ha là cao lắm rồi - ông Huệ nhớ lại. Người dân Châu Bình, cũng như nhiều địa phương trong thời kì đó sống chủ yếu nhờ sự ưu đãi của tự nhiên, vì các loại cá đồng, tôm cua nhiều vô kể”. Năm 1989, sau nhiều lần thất bại, công trình hàn sông Châu Bình (còn gọi là sông Ba Tri Rơm), với mục đích ngăn mặn trữ ngọt, đã hoàn thành trong niềm vui sướng không sao kể hết. Đây thực sự là công trình “ý Đảng lòng dân”, gần 4.000 lượt ngày công lao động đã được huy động cho công trình kéo dài gần 40 ngày này. Sau đó là công việc dẫn ngọt, kênh Đồng Khởi và hệ thống kênh mương nội đồng được nạo vét đã dẫn nước ngọt từ sông Bến Tre giúp tháo mặn rửa phèn cho hơn 2.000 ha đất. Người dân tại 6 ấp của xã cũng có nguồn nước ngọt dùng cho sinh hoạt quanh năm.
“Công trình này thực sự làm thay đổi quê hương cách mạng Châu Bình và là minh chứng cho lời dạy của Bác “dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”, ông Huệ nhấn mạnh. Đầu tiên là sản xuất nông nghiệp, người dân chuyển từ trồng lúa 1 vụ sang 2 vụ, hàng trăm ha đất hoang hóa cũng được đưa vào sản xuất, năng suất lúa bình quân lúc này vọt lên khoảng 9 – 10 tấn/ha/năm. Cơ cấu cây trồng cũng được thay đổi nhanh chóng: dừa, cam, chanh, mía được người dân trồng rộng rãi, năng suất tăng lên thấy rõ.
Kinh tế phát triển, Châu Bình nhanh chóng vươn lên và hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng. Ông Đào Văn Hội, Bí thư Đảng ủy xã, cho biết: “Phát huy truyền thống cách mạng của quê hương, Đảng ủy luôn chú trọng đến sự gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong việc chấp hành các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Từ trước tới nay, xã luôn đảm bảo quỹ đất để xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng. Nhiều đảng viên, hội viên gương mẫu hiến đất làm đường, xây dựng nhà văn hóa, trường học. Tiêu biểu như công trình đê bao ngăn lũ tại ấp 7, ấp 8. Toàn bộ diện tích đất gần 13 ha để xây dựng công trình này đã được người dân đồng lòng hiến tặng. Hơn 300 hộ dân đã được hưởng lợi từ công trình này”.
Nếu như trước đây, Châu Bình đã được nhận hai danh hiệu: Anh hùng Nhân dân và Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (năm 1995) và danh hiệu Anh hùng Lao động thời kì đổi mới (2005), thì hiện nay, Châu Bình là xã đi đầu trong phong trào xây dựng nông thôn mới tại Bến Tre và đang hướng tới xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới đầu tiên vào cuối năm nay.
Bài và ảnh: Hưng Thịnh