Syria không thảo luận tương lai của Tổng thống Assad

Ngoại trưởng Syria Walid al-Muallem ngày 28/9 tuyên bố chính phủ nước này sẽ không chấp nhận bất kỳ kế hoạch hòa bình nào loại bỏ vai trò của Tổng thống Bashar al-Assad.

Một tòa nhà ở thị trấn Deir Ezzor, miền đông Syria, bị sập sau một cuộc tấn công bằng tên lửa ngày 26/9. Ảnh:AFP/TTXVN

Ông Muallem nhấn mạnh: “Đối với người dân Syria, ông Assad là tổng thống đắc cử đến giữa năm 2014, thời điểm tổ chức bầu cử tổng thống mới”. Theo Ngoại trưởng Syria, các ứng cử viên khác được hoan nghênh tranh cử theo hiến pháp của đất nước và chỉ có người dân Syria chứ không phải chính phủ nước ngoài hay phe đối lập, mới có thể lựa chọn tổng thống của mình.


Cùng ngày 28/9, Thủ tướng Syria Wael al-Halqi khẳng định Syria sẽ hợp tác toàn diện với thanh sát viên Liên hợp quốc trong quá trình tiêu hủy vũ khí hóa học. Phát biểu với kênh truyền hình Al Manar của Liban, ông Halqi nói Syria sẽ làm theo những gì đã cam kết và sẽ hỗ trợ thanh sát viên khi họ có mặt ở Syria.


Các chuyên gia vũ khí hóa học của LHQ ngày 29/9 đã rời thủ đô Damacus của Syria để thực hiện sứ mệnh mới là điều tra 7 vụ tấn công được cho là dùng vũ khí hóa học. Nhóm chuyên gia này cũng tiếp tục điều tra vụ tấn công hôm 21/8 ở ngoại ô Damascus.


Thông qua nghị quyết lịch sử về Syria


Hội đồng Bảo an LHQ đã thông qua một nghị quyết yêu cầu chính phủ Syria phải tuân theo kế hoạch tiêu hủy kho vũ khí hóa học của nước này.


Được thông qua với sự đồng thuận của tất cả 15 thành viên Hội đồng Bảo an (HĐBA), Nghị quyết 2118 lên án "bằng những ngôn từ mạnh mẽ nhất" mọi hành động sử dụng vũ khí hóa học tại Syria, đặc biệt là vụ tấn công ngày 21/8/2013 làm hàng trăm người thiệt mạng, khẳng định đây là hành vi vi phạm luật pháp quốc tế, đe dọa an ninh và hòa bình quốc tế.


Nghị quyết cũng yêu cầu Syria tuân thủ quyết định của Tổ chức Cấm Vũ khí Hóa học (OPCW) đưa ra trước đó vài giờ chấp thuận kế hoạch do hai nước Nga, Mỹ soạn thảo, theo đó quy định tất cả vũ khí hóa học của Syria phải được đặt dưới sự kiểm soát quốc tế vào giữa năm 2014 và các hoạt động thanh sát ở Syria bắt đầu từ ngày 1/10 tới.


Nội dung nghị quyết không đề cập việc sử dụng sức mạnh quân sự hoặc trừng phạt Syria, song để ngỏ khả năng tiến hành bỏ phiếu về các biện pháp trừng phạt trong tương lai nếu kế hoạch của Nga - Mỹ bị vi phạm.


Phát biểu sau cuộc bỏ phiếu của HĐBA, Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon gọi đây là một "nghị quyết lịch sử và mang lại hy vọng đầu tiên cho vấn đề Syria sau một thời gian dài".

Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon đã có cuộc gặp đầu tiên với thủ lĩnh Liên minh Dân tộc Syria (SNC) của phe đối lập nhằm hối thúc phe này tham gia hội nghị hòa bình Geneva 2. Trong cuộc gặp hôm 28/9, Chủ tịch SNC Ahmad Jarba cho biết phe đối lập sẵn sàng cử một phái đoàn tới hội nghị. Ông Ban Ki-moon đã hoan nghênh động thái này và kêu gọi SNC tiếp cận các nhóm đối lập khác để thống nhất đại diện và đoàn tham dự.


TD - TTG

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN