Syria mới đây đã công bố thêm 4 cơ sở vũ khí hóa học mà trước đó nước này hoàn toàn không báo cáo cho các cơ quan giám sát của Liên hợp quốc (LHQ). Thông tin này một lần nữa làm dấy lên quan ngại về việc chính phủ Syria không thực sự thẳng thắn về chương trình vũ khí hóa học của mình.Bên trong một cơ sở vũ khí hóa học của Syria. |
Phát biểu trong một cuộc tham vấn kín tại Hội đồng Bảo an LHQ, bà Sigrid Kaag, đại diện đặc biệt của Tổng thư ký Ban Ki-moon và là điều phối viên đặc biệt của Phái bộ chung Liên hợp quốc - Tổ chức cấm vũ khí hóa học (LHQ - OPCW), cho biết phía Syria đã thông báo về sự tồn tại của 4 cơ sở trên. Trong đó có 3 cơ sở phục vụ mục đích nghiên cứu - phát triển và một cơ sở sản xuất. Cả 4 cơ sở trên đều không có hóa chất trong thời gian gần đây.
Hiện OPCW đang làm việc với chính phủ Syria để làm sáng tỏ về những thông tin mới nhất liên quan đến chương trình vũ khí hóa học. Tuy nhiên, cơ quan này chưa rõ nguyên nhân vì sao Damascus không công bố thông tin về 4 cơ sở này trước đó.
Thông báo này đã làm dấy lên quan ngại về việc Damascus không hoàn toàn trung thực về số vũ khí hóa học mà nước này sở hữu. Trưởng đại diện Mỹ tại LHQ Samantha Power trong một tuyên bố đăng tải trên trang twitter cá nhân đã nhấn mạnh cần tiếp tục gây áp lực lên chính quyền Damascus để Syria ngừng việc che giấu tiềm lực vũ khí hóa học của nước này. Chính quyền Mỹ lo ngại nguy cơ vũ khí hóa học và cơ sở sản xuất hóa học sẽ rơi vào tay tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng, lực lượng đang chiếm giữ nhiều vùng lãnh thổ ở Syria và Iraq.
LHQ - OPCW được ủy thác nhiệm vụ tiêu hủy chương trình vũ khí hóa học của Syria sau khi cộng đồng quốc tế đạt được thỏa thuận do Mỹ và Nga làm trung gian và được LHQ ủng hộ. Phái bộ này cho biết toàn bộ 1.300 tấn vũ khí hóa học mà Syria thông báo sở hữu đều đã được đưa ra khỏi nước này và nhiệm vụ tiếp theo là phải dỡ bỏ các cơ sở vũ khí hóa học của Damascus. Tuy nhiên, do phái bộ chung LHQ - OPCW đã hết thời hạn hoạt động từ ngày 30/9 vừa qua nên các công việc còn lại sẽ do OPCW tiếp quản. Theo kế hoạch, công việc tháo dỡ các cơ sở vũ khí hóa học của Syria sẽ được khởi động trong tháng này và cơ sở đầu tiên sẽ được hoàn tất tháo dỡ trước tháng 11 tới.
Cuộc nội chiến tại Syria đã bước sang năm thứ 4 với việc chính phủ và phe đối lập đổ lỗi lẫn nhau về việc sử dụng vũ khí hóa học trong các cuộc xung đột. Các cuộc tấn công đã làm thiệt mạng hơn 190.000 người dân Syria và buộc hàng triệu người phải chạy trốn sang các nước láng giềng. Tháng trước, phái bộ LHQ - OPCW thông báo đã tìm thấy dấu vết của việc sử dụng khí clo "một cách hệ thống và liên tục" tại Syria với mốc thời gian gần nhất là tháng 8 vừa qua. Báo cáo không đưa ra kết luận về lực lượng chịu trách nhiệm cho hành động này.
TTXVN/Tin Tức