Sẽ không chỉ là điều tra nguyên nhân; xử lý cá nhân, đơn vị có sai phạm; rút kinh nghiệm trong ngành… mà từ năm 2016, khi Nghị định về tiêm chủng chính thức có hiệu lực, những tai biến do tiêm chủng sẽ được bồi thường. Đó là nội dung chính trong dự thảo Nghị định về tiêm chủng mà Bộ Y tế đang lấy ý kiến góp ý.
Nhiều tai biến
Gia đình chị Nguyễn Thị Thắm, ở xã An Thượng, Hoài Đức, Hà Nội tá hỏa khi kiểm tra lại phiếu tiêm của đứa con 6 tuổi, vừa đi tiêm vắcxin sởi- rubella về: Cán bộ tiêm chủng đã tiêm liều vắcxin dành cho trẻ 9 tháng cho con chị Thắm. Quá lo sợ, gia đình chị Thắm đã đến ngay trạm y tế huyện để phản ánh tình hình. Trạm y tế đã phải cử người đến theo dõi sức khỏe của cháu bé, rất may đã không xảy ra nguy hiểm nào. Ngay sau đó, Trung tâm y tế dự phòng huyện Hoài Đức đã họp và khiển trách cán bộ y tế tiêm nhầm cho cháu bé.
Nghị định về tiêm chủng nhằm đảm bảo quyền lợi của người dân. Ảnh: Dương Ngọc - TTXVN |
Thực tế, trong thời gian qua, việc tiêm nhầm, tiêm thiếu do lơ là, do thiếu năng lực của một bộ phận cán bộ y tế; cùng với nhiều vụ tai biến nặng xảy ra trong thời gian qua, đã khiến dư luận rất hoang mang, lo lắng. Theo Cục Y tế dự phòng, trong nửa đầu năm 2015, cả nước ghi nhận hơn 3.600 trường hợp phản ứng thông thường sau tiêm chủng và 13 trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng, trong đó có 3 trường hợp hồi phục và 10 trường hợp tử vong.
“Một trong những nguyên nhân khiến Chương trình tiêm chủng mở rộng thời gian qua chưa hoàn toàn đạt hiệu quả như mong muốn; cũng là nguyên nhân khiến các bậc phụ huynh đổ xô đi tiêm chủng dịch vụ, với giá cao ngất trời và còn phải chầu chực; đó là sự lo ngại trước những tai biến sau tiêm chủng, nhất là với vắcxin Quinvaxem. Điều đáng nói là chưa có quy định nào về việc bồi thường sau tai biến do trách nhiệm của cán bộ, cơ sở y tế. Mỗi sự việc xảy ra, tùy theo xử lý của từng đơn vị, có trường hợp được bồi thường, có trường hợp chỉ là một lời xin lỗi”, một đại diện ngành y tế chia sẻ.
Trong bối cảnh này, dự thảo Nghị định về tiêm chủng của Bộ Y tế ra đời sẽ có ý nghĩa rất lớn trong việc quy định trách nhiệm thực hiện, quản lý, bồi thường trong tiêm chủng thời gian tới.
Bồi thường trước, truy xét sau
Theo dự thảo nghị định, người được tiêm chủng sẽ được bồi thường nếu xảy ra tai biến nặng khi sử dụng vắcxin bắt buộc. Nếu trường hợp bị tai biến để lại di chứng khuyết tật, tổn thương cơ thể từ 15- 80%, sẽ được hỗ trợ bằng mức lương cơ sở tại thời điểm đó; nếu bị tổn thương cơ thể từ 81% trở lên thì mức bồi thường bằng 30 lần mức lương cơ sở tại thời điểm đó; nếu thiệt hại đến tính mạng thì được hỗ trợ mai táng phí bằng 10 lần mức lương cơ sở, còn những người thân được bù đắp tổn thất tinh thần bằng 10 lần mức lương cơ sở…
Làm rõ hơn về quy định bồi thường, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, cho biết: Chỉ các trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng do sai sót trong thực hành tiêm chủng hoặc do vắcxin mới được bồi thường. “Nếu nguyên nhân của tai biến là do vắcxin thì nhà sản xuất, đơn vị cung cấp vắcxin phải bồi hoàn lại cho Nhà nước. Còn nếu nguyên nhân do sai sót trong quy trình tiêm thì cán bộ tiêm chủng phải chịu trách nhiệm bồi hoàn. Với các trường hợp tai biến được xác định do trùng lập ngẫu nhiên với bệnh lý của trẻ hoặc do quá mẫn cảm với vắcxin, thì sẽ có sự cân nhắc việc bồi thường, nhưng khả năng bồi thường cho các trường hợp này rất ít”, PGS.TS Trần Đắc Phu khẳng định.
Cũng theo PGS.TS Trần Đắc Phu, nếu xảy ra tai biến phải bồi thường, Nhà nước sẽ đứng ra chi trả trước để kịp thời giải quyết vụ việc, sau đó mới truy xét tìm nguyên nhân, những đối tượng nào vi phạm sẽ phải trả lại số tiền này cho Nhà nước. Còn khi sự việc đã cấu thành tội phạm hình sự, thì sẽ thực thi theo Bộ Luật Hình sự, không nằm trong phạm vi quy định của nghị định nữa.
Mặc dù dự thảo Nghị định về hoạt động tiêm chủng đã làm rõ trách nhiệm mức bồi thường trong công tác tiêm chủng, nhưng nhiều ý kiến cho rằng, với quy định bồi thường như trên thì rất ít trường hợp được bù đắp thiệt hại. Vì theo Nghị định, chỉ những trường hợp được khẳng định do sai sót trong thực hành tiêm chủng hoặc do vắcxin mới được bồi thường. “Thời gian qua, kết quả điều tra các vụ tai biến nặng sau tiêm chủng của Bộ Y tế đều kết luận nguyên nhân là do quá mẫn cảm với vắcxin. Nếu áp dụng đúng quy định như trong dự thảo Nghị định thì các trường hợp tai biến này đều không được bồi thường, như vậy vẫn bất hợp lý, bởi trách nhiệm của ngành y tế không chỉ là tiêm đúng thuốc, đúng quy trình, mà còn phải tư vấn được cho các bậc phụ huynh về sức khỏe của con cái họ khi phải tiêm chủng, nếu không, chúng tôi biết tin vào đâu?”, một phụ huynh chia sẻ.
“Cần truy rõ trách nhiệm với các vụ tai biến và xử phạt thật nghiêm. Với các cá nhân, đơn vị vi phạm gây ra các tai biến trong tiêm chủng, Bộ Y tế phải yêu cầu đứng ra nhận trách nhiệm và xử lý thật mạnh tay mới đủ sức để răn đe, chứ không chỉ nộp phạt bằng tiền là xong. Cùng với đưa Nghị định đi vào cuộc sống, cần xây dựng quy trình kiểm soát vắcxin cho thật nghiêm ngặt. Bên cạnh đó cũng phải đào tạo nhân viên tiêm chủng cho thật lành nghề, quy định chặt chẽ về y đức, tác phong khi làm việc để tránh tiêm nhầm, tiêm thiếu...”, một đại diện ngành y tế khẳng định.
Về vấn đề này, theo PGS.TS Trần Đắc Phu, Bộ Y tế vẫn đang tiếp tục lấy ý kiến đóng góp, để có thể đưa ra những giải pháp phù hợp nhất và hoàn thiện nghị định này trong thời gian tới.