Tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới

Thúc đẩy dòng vốn tín dụng, xem xét lại một số tiêu chí... là những ý kiến, kiến nghị, đề xuất đầy tâm huyết của những người “trong cuộc” mà báo Tin Tức ghi nhận được. Có thể tin tưởng rằng, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) sẽ tiếp tục gặt hái được thêm nhiều thành tựu trong năm 2015.

Nhờ nguồn vốn hỗ trợ từ chương trình xây dựng nông thôn mới, nhiều hộ dân ở huyện Chợ Gạo (Tiền Giang) có kinh phí tổ chức trồng hoa phục vụ Tết.Ảnh: Đình Huệ



Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, Trưởng ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ: Cần sự liên kết chặt chẽ


Trong năm 2015, yêu cầu các địa phương phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương đề ra các giải pháp thực hiện hiệu quả, thắng lợi nhiệm vụ chính trị trong năm 2015, trong đó tập trung thực hiện tái cơ cấu nền nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Đây là yêu cầu đòi hỏi cấp bách, quan trọng nhằm tăng giá trị sản xuất nông nghiệp trên 1 đơn vị diện tích. Để thực hiện nhiệm vụ quan trọng này, các địa phương cần triển khai liên kết chặt chẽ giữa nông dân với nông dân, nông dân với hợp tác xã, nông dân với doanh nghiệp; đẩy mạnh các ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, góp phần tăng giá trị sản xuất, ứng phó với biến đổi khí hậu, gắn sản xuất với thị trường, cung cấp thông tin thị trường đầy đủ cho các doanh nghiệp và nông dân…

Ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp: Xem xét lại tiêu chí 13 và16


Đối với tiêu chí 13 về hình thức tổ chức sản xuất, hiện nay tỉnh Đồng Tháp đang triển khai thực hiện thí điểm việc sáp nhập một số hợp tác xã trên địa bàn các xã thành một hợp tác xã lớn để nâng cao chất lượng hoạt động, đảm bảo các yêu cầu mới, sớm chuyển đổi hoạt động của hợp tác xã nông nghiệp theo Luật Hợp tác xã năm 2012. Do vậy, đề nghị Bộ NN&PTNT xem xét, hướng dẫn đánh giá tiêu chí này về hình thức tổ chức sản xuất đối với trường hợp sáp nhập này.

Tiêu chí 16 về văn hóa, việc thực hiện theo hướng dẫn của Bộ NN&PTNT tại Thông tư số 41/2013/TT-BNNPTNT ngày 4/10/2013 quy định “Xã công nhận đạt tiêu chí văn hóa khi có từ 70% ấp trở lên được công nhận và giữ vững danh hiệu ấp Văn hóa liên tục từ 5 năm trở lên” chưa phù hợp. Trong quá trình triển khai thực hiện, các địa phương rất khó đạt và khó giữ vững danh hiệu đã đạt, nhất là các xã mới thành lập thêm ấp mới. Kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ NN&PTNT và Bộ VH,TT&DL xem xét bỏ nội dung “giữ vững danh hiệu ấp Văn hóa liên tục từ 5 năm trở lên”, chỉ xét nội dung “Xã được công nhận đạt tiêu chí văn hóa khi có từ 70% ấp trở lên được công nhận đạt chuẩn làng văn hóa theo Bộ VH,TT&DL”.

Ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Gia, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang: Quan tâm xã nghèo vùng biên giới


Với điều kiện là xã biên giới vùng sâu, vùng xa, đời sống nhân dân còn khó khăn và là xã thuần nông nên thu nhập bình quân của xã còn rất thấp so với mặt bằng chung của tỉnh. Do vậy việc vận động nhân dân đóng góp thi công xây dựng các công trình trong Chương trình xây dựng NTM còn gặp khó khăn. Bên cạnh đó, giá cả mặt hàng nông nghiệp luôn biến động, chi phí đầu vào tăng cao trong khi đầu ra sản phẩm lại thấp. Chính vì vậy các cấp cần xem lại cơ chế cấp vốn và có chính sách về giá, bao tiêu sản phẩm cho bà con nông dân tại xã đặc thù biên giới vùng sâu.

Bà Nguyễn Thị Kim Loan, Chủ tịch xã Vĩnh Trung, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang: Đối thoại trực tiếp với hộ nghèo

Hàng tháng, xã Vĩnh Trung chọn một ấp để tổ chức gặp gỡ, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của các hộ nghèo. Ấp 6, xã Vĩnh Trung là nơi đầu tiên tổ chức họp hộ nghèo vì đây là ấp nghèo nhất xã, được xã chọn làm điểm để tập trung đầu tư thoát nghèo trong năm 2014. Trong buổi đối thoại, có đầy đủ lãnh đạo xã, cán bộ các lĩnh vực và đại diện Trung tâm dạy nghề, ngân hàng Chính sách xã hội huyện. Lãnh đạo xã lắng nghe ý kiến của từng hộ về hoàn cảnh khó khăn của gia đình, mong muốn được học nghề để có việc làm ổn định, được vay vốn và hỗ trợ các mô hình sản xuất. Đại diện ngân hàng Chính sách xã hội trả lời trực tiếp về thủ tục, điều kiện vay vốn sản xuất. Trung tâm dạy nghề ghi nhận nhu cầu học nghề của người dân và đề xuất một số lớp nghề phù hợp. Chính quyền và cán bộ nông nghiệp xã ghi nhận khó khăn của từng hộ và hướng dẫn các biện pháp thoát nghèo phù hợp với từng gia đình.

Đối thoại với hộ nghèo ở từng ấp là cách làm mới, mang lại hiệu quả lớn cho chính quyền và người dân, xã nắm được hoàn cảnh, nguyện vọng của hộ nghèo, người dân được tư vấn các cách thoát nghèo phù hợp. Điều chúng tôi mong muốn lớn nhất khi đối thoại với người dân là bà con có ý chí thoát nghèo, không trông chờ vào chính sách hỗ trợ hộ nghèo, không chỉ vay vốn để sinh sống mà phải tìm ra giải pháp thoát nghèo phù hợp với từng gia đình.

Ông Nguyễn Trọng Nghiệp, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước tỉnh Vĩnh Long: Thúc đẩy dòng vốn tín dụng cho xây dựng NTM


Một trong những tiêu chí khó phấn đấu trong 19 tiêu chí là thu nhập bình quân đầu người năm, hiện quy định là 24 triệu đồng, như vậy là bình quân 2 triệu đồng/người/tháng. Làm sao để tăng thu nhập cho người dân? Chỉ có con đường duy nhất là gia tăng sản xuất. Thực hiện điều này cần có hai yếu tố cơ bản là nuôi trồng sản phẩm gì hiệu quả cao và vốn cho sản xuất.

Trong đó vốn từ ngân hàng đã và đang sẵn sàng cung ứng nhưng hiện nay vẫn còn khó khăn trong việc triển khai đầu tư tín dụng phục vụ cho xây dựng NTM. Thứ nhất là nhu cầu vay nông nghiệp gần như đã bão hòa, không có đối tượng mới mang tính đột phá, thiếu những phương án hiệu quả mang tính vững chắc cho ngân hàng đầu tư vốn tín dụng. Hiện nay các ngân hàng đang đầu tư đa số vào các hộ dân tham gia chủ yếu ở từng khâu riêng lẻ của các chuỗi sản xuất nên gặp khó trong việc nâng mức cho vay, quản lý việc sử dụng vốn, dòng vốn tín dụng chưa hiệu quả.

Thứ hai là các mô hình kinh tế tập thể tại các địa phương chưa thực sự mạnh, còn nhiều hạn chế về năng lực quản trị điều hành… Do đó các ngân hàng chưa mạnh dạn cho vay thông qua các hợp tác xã, tổ hợp tác mà chủ yếu cho vay trực tiếp với các xã viên.

Thứ ba là chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, liên kết sản xuất theo Nghị Định 210/2013/NĐ-CP và Quyết định 62/2013/QĐ-TTg chưa phát huy hiệu quả nên chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư về nông thôn, nhất là đối với lĩnh vực dịch vụ, công nghiệp chế biến quy mô lớn… Ngoài ra, các chính sách tín dụng hiện hành chưa thực sự gắn kết với việc đầu tư để hoàn thành các tiêu chí xây dựng NTM theo quy định, nhất là các tiêu chí cần nguồn vốn lớn mà ngân sách nhà nước khó có thể đầu tư trong ngắn hạn như tiêu chí về giao thông, thủy lợi, trường học, điện chợ nông thôn.

Như vậy, đối với các địa phương sớm ban hành các văn bản cụ thể hóa các chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, hợp tác liên kết… xem xét trích một phần ngân sách để hỗ trợ lãi suất cho vay bình ổn giá đối với một số mặt hàng vật tư nông nghiệp thiết yếu phục vụ cho sản xuất trên địa bàn. Chính phủ cần xem xét điều chỉnh một số lĩnh vực cho vay đầu tư tại ngân hàng phát triển phù hợp với các tiêu chí xây dựng NTM cần vốn lớn để đầu tư như tiêu chí giao thông, trường học, thủy lợi, chợ nông thôn… Bên cạnh đó, ngân hàng Nhà nước nghiên cứu trình Chính phủ bổ sung, chỉnh sửa, quy định cụ thể chính sách tín dụng cho vay phục vụ nông nghiệp nông thôn theo Nghị định 41 và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM nhằm hỗ trợ các địa phương hoàn thành tiêu chí này.

Bài và ảnh: Anh Đức
Bê tông hóa đường  giao thông nông thôn
Bê tông hóa đường giao thông nông thôn

Giao thông nông thôn là một trong những tiêu chí khó thực hiện nhất trong quá trình xây dựng nông thôn mới (NTM) ở nhiều địa phương, do đòi hỏi kinh phí và sự đóng góp rất lớn từ người dân.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN