Mùa xuân trên đồi quế Văn Yên

Những năm gần đây, được sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Đảng bộ, chính quyền và sự đồng lòng của nhân dân Văn Yên, mà cây quế đã hiện diện ở mọi nhà, mọi vườn. Toàn huyện hiện có trên 20.000 ha quế. Sản lượng vỏ quế ở đây chiếm khoảng 70% tổng sản lượng cả tỉnh. Đây cũng là địa phương có diện tích và sản lượng quế lớn nhất cả nước.

Giá trị kinh tế cao


Ngược dòng sông Hồng đến với "thủ phủ" vùng quế Văn Yên, dọc tuyến đường liên huyện, liên tỉnh về các xã: Viễn Sơn, Đại Sơn, Xuân Tầm, Mỏ Vàng... nơi đâu cũng gặp quế. Những đồi quế ngút ngàn, trùng điệp, dài tít tắp trên các triền núi cao. Những cây quế xanh mượt, đứng sừng sững như thách thức với thiên nhiên về sức sống mãnh liệt của mình. Quế như là biểu tượng của cộng đồng người Dao và các dân tộc khác trong vùng. Đây là thành quả sau nhiều năm thực hiện chương trình "đưa quế sang sông". Giờ đây, Văn Yên đã hình thành một vùng trồng quế rộng lớn có giá trị kinh tế cao. Cây quế không chỉ giúp người dân xóa đói giảm nghèo mà còn làm giàu cho cuộc sống gia đình của nhân dân các dân tộc huyện Văn Yên... Đồng thời, góp phần phủ xanh đất trống, đồi núi trọc và bảo vệ môi trường sinh thái.

Chất lượng tinh dầu quế Văn Yên được đánh giá là có giá trị rất cao.



Từ những năm 50 - 60 của thế kỷ trước, nhiều hộ đồng bào dân tộc Dao, Tày ở vùng Văn Yên (Yên Bái) đã có quế với cây to cả người ôm. Cây quế không những có giá trị kinh tế cao mà còn góp phần bảo vệ thiên nhiên, môi trường sinh thái, giữ đất, giữ nước ở những vùng đồi núi dốc, bảo tồn và phát triển đa dạng các nguồn gen quý của cây bản địa, đồng thời góp phần quan trọng giúp nhiều hộ đồng bào dân tộc xóa đói giảm nghèo và vươn lên làm giàu.

Anh Đặng Văn Phúc, thôn Khe Dứa, xã Viễn Sơn cho biết: "Sau khi xây dựng gia đình riêng, tôi được bố mẹ cho 2 ha quế để làm vốn. Đây là tài sản lớn của gia đình nên tôi đã tập trung chăm sóc, chỉ sau vài năm cây quế đã cho gia đình một cuộc sống khá ổn định". Thấy rõ lợi ích của cây quế, anh Phúc còn nhận thêm 3 ha đất đồi rừng để trồng quế. Theo chu kỳ sinh trưởng, sau khi khai thác xong anh lại trồng mới và trồng tỉa nên mỗi năm, từ 5 ha quế, gia đình anh thu được 10 tấn vỏ tươi với giá trị từ 100 - 200 triệu đồng, tùy theo thời giá hàng năm. Riêng năm nay giá quế lên cao gấp hai lần những năm trước, vì vậy thu nhập từ cây quế của gia đình anh còn khá hơn nhiều. Thu nhập từ cây quế đã giúp anh lo liệu những công việc trọng đại của gia đình, nuôi các con ăn học và mua sắm được các trang thiết bị hiện đại phục vụ cuộc sống hằng ngày. Mỗi khi Tết đến xuân về, mọi chi tiêu của gia đình anh đều trông cậy vào tiền bán quế. Còn chị Dương Thị Lưu, thôn 1, xã Đại Sơn, nhờ trồng được 3 ha quế, gia đình chị không chỉ thoát nghèo mà còn xây được ngôi nhà kiên cố. Chị Lưu cho biết: "Trước đây gia đình mình là hộ nghèo của xã. Theo chủ trương của Đảng và Nhà nước, gia đình tham gia trồng quế. Đến nay nhà mình đã thoát nghèo. Mình vui lắm, Tết này tôi không phải lo chạy ăn từng bữa nữa. Có tiền bán quế, Tết cổ truyền năm nay mình sẽ mua sắm đầy đủ cho gia đình hơn".

Xây dựng thương hiệu


Để giúp người dân khai thác giá trị của cây quế, nhiều năm qua, huyện Văn Yên đã xây dựng và ban hành cơ chế khuyến khích và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, các cơ sở thu mua quế vỏ, chế biến tinh dầu quế tại các xã, thị trấn. Nhờ đó, Văn Yên đã hình thành vùng nguyên liệu quế rộng lớn, tập trung nhiều ở 8 xã hữu ngạn sông Hồng là Đại Sơn, Mỏ Vàng, Viễn Sơn, Xuân Tầm, Châu Quế Hạ, Phong Dụ Thượng, Phong Dụ Hạ, Tân Hợp với diện tích 16.000 ha. Trung bình mỗi năm, Văn Yên trồng mới từ 1.000 ha - 1.500 ha. Điều đáng lưu ý là chất lượng tinh dầu của quế Văn Yên rất cao. Riêng đối với giống quế lá nhỏ thường có hàm lượng tinh dầu trung bình 30%, cá biệt có cây tới 70%. Vì vậy, quế Văn Yên nổi tiếng cả trong và ngoài nước.

Chưng cất tinh dầu quế.



Đi đôi với việc khuyến khích người dân trồng quế, huyện còn đặc biệt chú trọng gìn giữ thương hiệu quế Văn Yên bằng việc xây dựng và được Cục sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp bằng chỉ dẫn địa lý năm 2011. Qua đó đã nâng cao giá trị cũng như thương hiệu xuất khẩu của cây quế. Hiện nay, Văn Yên đang vận động nhân dân trồng quế theo vùng nguyên liệu tập trung với các giống quế chất lượng cao, đồng thời mở ra nhiều cơ chế chính sách thu hút các doanh nghiệp xây dựng các cơ sở sản xuất chế biến quế vỏ, tinh dầu quế có quy mô lớn, công nghệ cao và có thể chế biến xuất khẩu trực tiếp.

Nhờ đó, quế Văn Yên ngày càng được khách hàng chú ý hơn. Đặc biệt, trong năm qua, nhờ việc quảng bá thương hiệu quế Văn Yên có hiệu quả nên giá quế trong năm 2014 liên tục tăng cao. Hiện giá quế khô ở Văn Yên đã tăng gấp hơn 2 lần so với những năm trước, vì vậy đời sống của người trồng quế đã được cải thiện rõ.

Mùa xuân này về Văn Yên, đến những địa bàn xa xôi hẻo lánh của đồng bào các dân tộc, nhiều ngôi nhà khang trang đang mọc lên giữa bạt ngàn rừng quế, cuộc sống của người dân đang từng ngày thay da đổi thịt. Sự cần cù chịu khó lao động của cộng đồng các dân tộc huyện Văn Yên đã đưa cây quế ngày càng vươn cao, vươn xa. Cây quế như những chùm hoa núi đang thắp sáng ước mơ khát vọng của người đất Văn Yên trên con đường xây dựng cuộc sống ấm no, giàu đẹp.


Bài và ảnh: Đức Tưởng



Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN