Tấm lưng còng của ngoại

Đêm qua trời bỗng trở gió. Ngoại không ngủ được, cứ trằn trọc suốt. Tiếng đấm lưng êm êm, đều đều theo nhịp...


Trời vừa tảng sáng, ngoại đã thức dậy đun ấm nước, rồi luộc một nồi khoai lang đầy ăm ắp. Khói bếp thoang thoảng, len lỏi vào mọi ngóc ngách của căn nhà ba gian lợp ngói đỏ. Tiếng chim chuyền cành, hót véo von khiến tôi chợt tỉnh giấc. Buổi sáng hôm nay thật trong trẻo và bình yên.


Vừa xỏ đôi dép vào chân, đi ra cửa, tôi đã thấy thấp thoáng dáng lưng còng của ngoại trong căn bếp nhỏ. Cái rá con lúc này đã đầy những củ khoai lang đỏ hồng, khói bay nghi ngút. Ngoại lom khom xách ấm nước đã đun sôi rót vào cái phích đặt trong góc bếp. Từng động tác ngoại làm thật chậm rãi, nhẹ nhàng và cẩn thận.


Chuẩn bị xong bữa sáng, ngoại xách cái giỏ nhựa đầy những na, bưởi đi chợ bán. Tôi đòi theo cùng, ngoại bảo:


- Cháu ở nhà chơi, trông coi nhà cửa. Lát về ngoại mua quà cho nhé!


Vâng lời ngoại, tôi ngồi trước hiên nhà chơi búp bê, rồi chơi đồ hàng một mình. Cứ mỗi lần nghe tiếng chân rảo bước ngoài đường, tôi lại thấp thỏm chạy ra trông. Lần thứ nhất, ngoại chưa về. Lần thứ hai, ngoại vẫn chưa về. Lần thứ ba, rồi thứ tư, kết quả vẫn như thế. Tôi nóng lòng, đứng ngồi không yên.
Trời đang nắng ráo, bỗng đột ngột kéo mây đen về lợp trên mái nhà. Sấm nổi giận hét ầm ĩ bằng cái giọng khàn đặc, vang dội. Được một lát, mưa rơi như trút nước. Gió thổi ào ạt như đám người chạy đi xem hội. Tiếng mấy cô hàng xóm gọi con ơi ới: “cái Xíu, cái Bống đâu, mau mang quần áo vào kẻo mưa ướt!”. Giông về có khác. Tất cả mọi người, mọi nhà đều nhốn nháo cả lên.


Lát sau, ngoại về. Tấm lưng còng thấp thoáng xa xa. Chiếc nón lá đã sờn cũ nghiêng nghiêng theo chiều gió. Ngoại xách chiếc giỏ nhựa, tay chống gậy dò dẫm từng bước vì đường trơn lầy lội. Nhìn ngoại, tôi bỗng nhớ đến câu hát trẻ thơ: “Bà Còng đi chợ trời mưa. Cái tôm, cái tép đi đưa bà Còng…”.


Vừa về đến nhà, ngoại đã ngả nón ra đưa cho tôi một quả thị vàng ươm, thơm lựng. Mừng quýnh, tôi liền reo lên:


- Bà ngoại “năm-bờ-oăn”!


Dù không hiểu gì, nhưng ngoại vẫn nở một nụ cười móm mém, hiền hậu...


Năm nay mùa bão đến sớm, hai bà cháu tôi chưa kịp chuẩn bị gì cả. Cả gia tài chỉ có một sọt khoai lang, ít đậu xanh, gạo tẻ và gạo nếp. Đúng vào cái lúc khó khăn, chật vật này thì con lợn nái ngoại nuôi lại đẻ một lúc sáu, bảy chú ỉn. Ngày nào ngoại cũng phải ngồi băm bèo để nấu cho lợn ăn. Những lúc như thế, tôi chẳng thể nhìn rõ mặt ngoại, chỉ thấy tấm lưng gầy của ngoại như còng hơn.


Bão về, cái ti vi dùng cần ăng-ten cứ kêu rè rè, nhưng ngoại vẫn không hề bỏ sót một chương tình dự báo thời tiết nào. Nhiều lúc ngồi coi tin biển động, bão cuốn trôi nhà cửa,… ngoại tôi lại buồn. Ngoại thương người dân miền Trung quê mình chẳng “được lòng” thiên nhiên, phải gánh chịu biết bao cơn bão lớn nhỏ.


Đêm đến, ngoại không sao ngủ được. Tấm lưng còng cứ lúc trái gió trở trời lại đau nhức. Tiếng mưa rơi bồm bộp ngoài hiên, tiếng gió rít liên hồi khiến ngoại nhớ về ông và bố. Cơn bão số 5 kinh hoàng của hai năm trước đã cướp đi cả hai người đàn ông trụ cột của gia đình. Tôi nhớ rất rõ, hôm đó buổi sáng cũng tươi đẹp và rực rỡ như hôm nay. Đến đầu giờ chiều thì bão về, biển động, gió lốc kinh hoàng. Ngoại và mẹ ở nhà, đứng ngồi không yên. Đêm đó cả ông ngoại và bố đều không về. Và sẽ mãi mãi không về nữa. Tôi biết được tin đó từ ngoại vào buổi sớm ngày hôm sau.


Một năm sau khi bố mất, mẹ tôi đi bước nữa, bỏ tôi lại với ngoại để lên chốn phồn hoa. Ngày đó tôi hay oán trách mẹ, nhưng ngoại cứ vỗ về:


- Mẹ cháu hãy còn trẻ, chôn chân mãi ở cái xứ này cũng tội nghiệp. Để mẹ cháu đi, có khi lại tốt hơn.


Nghe ngoại nói, tôi có phần cảm thông cho mẹ và thầm nghĩ: “thật may khi mình vẫn còn ngoại bên cạnh”.


Sống chung với bão, hai bà cháu tôi đã quen rồi. Sáng, tôi cùng ngoại hứng nước mưa để nấu cơm, đun nước. Đêm đến, không có điện, tôi lại ngồi đấm lưng và bóp vai cho ngoại. Căn nhà đơn sơ, dột nát vẫn ấm áp lạ thường. Đêm nay cũng vậy, khi gió vờn nhẹ ngoài cửa sổ, tôi ôm tấm lưng còng của ngoại, ngủ một giấc ngon lành.


Dương Thị Phương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN