Phát biểu tại cuộc họp báo sau cuộc hội đàm với Tổng thống nước chủ nhà Nicos Anatasiades, ông Tsipras khẳng định: "Nợ công là cuộc khủng hoảng của toàn châu lục và không chỉ Hy Lạp hay Cyprus, mà cả châu Âu đang rơi vào cuộc khủng hoảng ấy. Để đưa tăng trưởng trở lại quỹ đạo, châu Âu cần đưa ra những quyết định can đảm".
Theo Thủ tướng Hy Lạp, đã đến lúc châu Âu phải chấm dứt hệ thống giám sát kinh tế của các quốc gia mắc nợ, được coi như điều kiện để các định chế tài chính cho vay xem xét trước khi quyết định giải ngân. Ông cho rằng cơ chế này không có cơ sở về mặt pháp lý ở cấp toàn châu Âu. Vì thế chính phủ của ông sẽ không hợp tác với nhóm "bộ ba" chủ nợ (gồm Ngân hàng Trung ương châu Âu, Liên minh châu Âu và Quỹ Tiền tệ quốc tế) cũng như sẽ không nhận bất cứ khoản vay cứu trợ nào nữa.
Tân Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras (phải) có cuộc gặp Chủ tịch Nhóm các Bộ trưởng tài chính Eurozone Jeroen Dijsselbloem tại Athens ngày 30/1. Ảnh: AFP/TTXVN. |
Thay vào đó, Athens sẽ đàm phán trực tiếp với từng chủ nợ. Ông Tsipras nhấn mạnh tiến trình cải cách cũng chỉ được thực hiện khi các nước thành viên EU khác đồng ý. Ông cho biết sẽ nỗ lực để chứng minh với các đối tác cũng như chủ nợ rằng chính phủ của ông không bao giờ hành động đơn phương.
Theo kế hoạch, Thủ tướng Tsipras sẽ tới Italy vào ngày 3/2 trước khi bay sang Pháp để thảo luận với các nhà lãnh đạo châu Âu ủng hộ chiến dịch của ông đàm phán lại gói cứu trợ trị giá 240 tỷ euro (tương đương 270 tỷ USD) chưa giải ngân hết cho Athens do Italy và Pháp là những nước từng kêu gọi nới lỏng chính sách khắc khổ trong Eurozone. Ông Tsipras cũng có kế hoạch gặp Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker, sự kiện được kỳ vọng sẽ đặt nền tảng cho thỏa thuận mới.
Cùng ngày, Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Yanis Varoufakis cũng tới Anh, trong khuôn khổ chuyến thăm 3 nước Liên minh châu Âu (EU) nhằm thúc đẩy nghị trình của Athens hướng tới một thỏa thuận mới về gói cứu trợ tài chính trị giá nhiều tỷ euro dành cho Athens. Sau Anh, ông Varoufakis sẽ gặp những người đồng cấp của các đối tác chủ chốt như Italy, đặc biệt là Đức, quốc gia vẫn một mực yêu cầu Hy Lạp thực hiện mọi cam kết nhận cứu trợ.
Ở trong nước, Chính phủ Hy Lạp đang tích cực thể hiện lập trường quyết tâm thực hiện các cam kết tranh cử là chấm dứt nhiều năm "thắt lưng buộc bụng", dù tỷ lệ nghèo đói và khó khăn ở nước này đã lên mức cao nhất so với các nước Tây Âu.
Athens đã dừng một loạt kế hoạch tư nhân hóa và tuyên bố kế hoạch tiếp nhận lại hàng nghìn lao động trong khu vực công từng bị chính phủ sa thải và tăng lương tối thiểu cho những người có thu nhập thấp, vốn bị cắt từ 751 xuống còn 586 euro/tháng theo thỏa thuận cứu trợ vỡ nợ năm 2012. Chính phủ sẽ thương lượng với giới chủ và các nghiệp đoàn trước khi xúc tiến kế hoạch này.
TTXVN/Tin Tức