Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai Trần Văn Vĩnh phát biểu tại buổi hội thảo. |
Hội thảo được tổ chức nhằm đẩy mạnh hơn nữa hoạt động xuất nhập khẩu giữa doanh nghiệp 2 nước, với sự tham dự của hơn 50 doanh nghiệp Nhật Bản và 20 doanh nghiệp tỉnh Đồng Nai.
Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai Trần Văn Vĩnh đã nêu bật những lợi thế về tự nhiên, kinh tế, xã hội của tỉnh với vị trí nằm trong vùng phát triển kinh tế trọng điểm phía Nam Việt Nam, có dân số khoảng 3,2 triệu người, cơ cấu dân số trẻ trong độ tuổi lao động trên 60%; giao thông thuận lợi, gần cảng Sài Gòn, cảng Cái Mép, sân bay quốc tế Tân Sân Nhất, đặc biệt có dự án sân bay quốc tế Long Thành dự kiến là sân bay lớn nhất Việt Nam, sẽ đưa vào khai thác trước năm 2025; Đồng Nai có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và ổn định, bình quân 13%/năm, là một trong các tỉnh phát triển công nghiệp hàng đầu cả nước với 35 khu công nghiệp, thu hút được trên 70% diện, kim ngạch xuất nhập khẩu của Đồng Nai hàng năm chiếm khoảng 9 – 10% cả nước, các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là dệt may, giày dép, sợi dệt, cà phê, cao su, hạt điều nhân, hạt tiêu,...
Các đại biểu và doanh nghiệp hai nước tham dự Hội thảo. |
Đánh giá về thị trường Nhật Bản, ông Trần Văn Vĩnh cho biết Nhật Bản là thị trường có kim ngạch xuất nhập khẩu đứng thứ 2 của Đồng Nai sau Mỹ, năm 2016, kim ngạch xuất khẩu vào Nhật Bản đạt 1,58 tỷ USD, lũy kế 7 tháng đầu năm 2017 đạt 0,94 tỷ USD; kim ngạch nhập khẩu từ Nhật Bản năm 2016 đạt 1,3 tỷ USD, lũy kế 7 tháng đầu năm 2017 là 0,75 tỷ USD; tiềm năng để các doanh nghiệp Đồng Nai mở rộng quan hệ giao thương với các doanh nghiệp Nhật Bản trong tương lai là rất lớn; tỉnh Đồng Nai cam kết tạo điều kiện thuận lợi nhất để các doanh nghiệp tiếp cận nhanh thị trường hai nước, mang lại hiệu quả thiết thực với phương châm các bên cùng có lợi.
Công sứ Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản Nguyễn Trường Sơn khẳng định quan hệ Việt Nam – Nhật Bản đang ở trong giai đoạn tốt đẹp nhất là cơ hội để doanh nghiệp hai bên tăng cường quan hệ thương mại, giao thương.
Việt Nam có nguồn nhân lực dồi dào, tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, ổn định về chính trị và đang hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do, sẽ là một thị trường, một điểm đến hấp dẫn.
Công sứ Đại sứ quan Việt Nam tại Nhật Bản Nguyễn Trường Sơn phát biểu tại buổi hội thảo. |
Riêng tỉnh Đồng Nai, được đánh giá là địa phương có nhiều lợi thế phát triển kinh tế xã hội, là một đỉnh của tam giác phát triển thành phố Hồ Chí Minh – Bình Dương – Đồng Nai, khu vực phát triển năng động hàng đầu Việt Nam; với nỗ lực cải cách hành chính, môi trường kinh doanh tại tỉnh Đồng Nai được doanh nghiệp trong và ngoài nước đánh giá tích cực, tại tỉnh cũng đã có nhiều doanh nghiệp Nhật Bản thành công khi đến đây kinh doanh.
Theo Tham tán Thương mại Việt Nam tại Nhật Bản Tạ Đức Minh, hoạt động giao thương giữa Việt Nam và Nhật Bản đã không ngừng gia tăng trong những năm qua, năm 2016, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật Bản đạt 15,3 tỷ USD, kim ngạch nhập khẩu là 13,2 tỷ USD.
Nhật Bản trở thành đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam và đối tác quan trọng nhất của Việt Nam. Hội thảo lần này sẽ thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa quan hệ thương mại, giao thương giữa hai nước nói chung, giữa tỉnh Đồng Nai và Nhật Bản nói riêng.
Trong khuôn khổ Hội thảo xúc tiến thương mại, giao thương giữa doanh nghiệp tỉnh Đồng Nai và doanh nghiệp Nhật Bản, doanh nghiệp hai nước đã trực tiếp gặp gỡ trao đổi, tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh, mở ra cơ hội cho cả hai bên.