“Tỷ lệ đô thị hóa tại Việt Nam vào khoảng 36% trong năm 2011 và dự kiến sẽ đạt 45% vào năm 2020. Tác động của các hiện tượng liên quan đến biến đổi khí hậu như cơn bão Nari xảy ra gần đây tại Đà Nẵng đã cho thấy tầm quan trọng ngày càng tăng của việc lập quy hoạch toàn diện cho các khu vực đô thị dễ bị tổn thương”, ông Erik Schweikhardt, Cố vấn Trưởng và Quản lý Dự án tại GIZ, chia sẻ.
Hướng tới thành phố xanh và bền vững
Nhằm tìm kiếm những giải pháp tích cực hơn cho Việt Nam trong việc quản lý rủi ro, chống biến đổi khí hậu và phát triển đô thị bền vững, một hội nghị mang tên "Phát triển đô thị hợp nhất: Hướng tới thành phố xanh và bền vững tại Việt Nam", do Bộ Xây dựng, UBND thành phố Đà Nẵng, Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ) thay mặt Bộ Hợp tác và Phát triển Kinh tế Liên bang Đức (BMZ) và Cộng đồng hành động ứng phó biến đổi khí hậu (URC-CoP) phối hợp tổ chức, đã diễn ra trong hai ngày 24-25/10, tại thành phố Đà Nẵng.
Quảng Bình, một trong những tỉnh của miền Trung thường xuyên phải hứng chịu hậu quả của bão, lũ. |
Với 3 chuyên đề chính: “Hướng tới thành phố Xanh: Hướng tiếp cận cho việc phát triển đô thị bền vững”, “Hướng tới bền vững: Quản lý rủi ro lũ lụt đô thị hợp nhất” và “Lồng ghép biến đổi khí hậu vào quy hoạch đô thị: Công cụ cần thiết và các hướng tiếp cận hiện nay”; trong khuôn khổ hội thảo, các chuyên gia và các nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế chỉ rõ: Yêu cầu cấp bách của các đô thị VN hiện nay là phải có định hướng chiến lược phát triển, quy hoạch phù hợp và có giải pháp quyết liệt để nâng cao khả năng dự báo những kịch bản biến đổi khí hậu, thích ứng và ứng phó có hiệu quả với những tác động trước mắt và những tiềm ẩn lâu dài.
Tìm giải pháp
Căn nhà của chị Phan Thị Ba nằm trong con hẻm 315/11 Ngô Quyền (quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng). Căn nhà cấp bốn mới được tôn nền cao tới gần 40 cm, tường, mái được giằng theo đúng "công nghệ" mới theo như tư vấn của công ty thiết kế. Chính vì vậy, trận bão Nari vừa qua đổ bộ vào Đà Nẵng căn nhà không "sơ sểnh" gì, trong khi đó tổng thiệt hại của những căn nhà khác trong thành phố lên tới 96,6 tỷ đồng.
Gia đình chị Ba là một trong số 245 gia đình của thành phố Đà Nẵng được tham gia dự án "Nhà chống bão" ( tên viết tắt của dự án “Nhà ở có khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu”), do Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ), Mạng lưới các Thành phố châu Á có khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu (ACCCRN) triển khai tại thành phố Đà Nẵng, với sự tài trợ của Quỹ Rockefeller. Theo đó, các hộ gia đình này được vay tiền từ Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Đà Nẵng, với số tiền là 25 triệu đồng, trong thời gian 45 tháng để sửa nhà theo hướng trở thành "nhà chống bão". Ngoài khoản kinh phí được vay này, các gia đình còn được các công ty tư vấn (do dự án lựa chọn) đến tận nhà để nghiên cứu, giúp thiết kế và tư vấn cách sửa nhà sao cho phù hợp và có khả năng chống chịu bão tốt nhất. "Dự án đã thành công hơn cả mong đợi. Trong đợt bão vừa qua, 244/245 căn nhà chống bão của thành phố đã đứng vững, không bị ảnh hưởng gì. Duy nhất 1 căn nhà bị hư hỏng là căn nhà đang sửa chữa dở", đại diện dự án cho biết.
Cùng với dự án “Nhà ở có khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu”, còn có các dự án khác cũng đang được triển khai nghiên cứu. Đó là dự án “Sốc nhiệt đối với người lao động ngoài trời” (cũng được triển khai tại thành phố Đà Nẵng), một nghiên cứu đầu tiên nhằm phát hiện ra những tác động của gánh nặng nhiệt, từ đó đưa ra cơ chế đối phó và các biện pháp thích ứng với gánh nặng nhiệt của người lao động. Nghiên cứu này đã chỉ ra rằng, người lao động ngoài trời gặp nhiều nguy hiểm cho sức khỏe khi nhiệt độ tăng cao và không có nhiều lựa chọn để thích nghi, đặc biệt là với đối tượng phụ nữ và người lao động nhập cư.
Và dự án tiếp theo mang tên “Chi phí và lợi ích của việc khôi phục rừng ngập mặn” được triển khai ở thành phố Quy Nhơn, với việc đánh giá chi phí và lợi ích của việc khôi phục những khu rừng ngập mặn ở khu vực đầm Thị Nại tại thành phố Quy Nhơn, nhằm góp phần bảo vệ người dân và tài sản khỏi nước dâng do bão và lũ lụt ven biển và còn nhiều lợi ích khác như nhiên liệu từ gỗ và du lịch sinh thái. Theo kết quả nghiên cứu này, những lợi ích từ việc khôi phục rừng ngập mặn có giá trị khoảng gấp đôi chi phí phục hồi rừng hoặc lợi ích tích lũy được từ việc sử dụng diện tích này cho nuôi trồng thủy sản.
"Các dự án này được triển khai nhằm nghiên cứu thực tế, từ đó đưa ra khuyến nghị và đề xuất cụ thể cho việc giảm mối đe dọa của biến đổi khí hậu đối với các cộng đồng đô thị khác nhau tại Việt Nam, đặc biệt là khu vực miền Trung", đại diện Quỹ Rockefeller cho biết.
P.V