Bên lề hội nghị Ủy ban tham vấn thuận lợi hóa thương mại ASEAN lần thứ 16 tổ chức chiều 10/1, phóng viên TTXVN đã phỏng vấn ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) xung quanh những thuận lợi và khó khăn trong quá trình tăng cường hợp tác và thúc đẩy thương mại, đầu tư trong khu vực.
Xin ông cho biết ý nghĩa và kết quả của cuộc họp về Ủy ban tham vấn thuận lợi hóa thương mại ASEAN lần thứ 16 này?
Đầu tuần này, Thủ tướng Chính phủ đã chính thức tổ chức lễ khởi động chính thức Năm ASEAN tại Việt Nam nhằm ưu tiên thúc đẩy nội khối ASEAN ngày càng tăng trưởng vững chắc. Vì vậy, một trong các nhóm công tác sẽ được giao nhiệm vụ phụ trách để đẩy mạnh vấn đề này là Ủy ban tham vấn thuận lợi hóa thương mại. Bởi, trong ASEAN có nhiều tổ công tác khác nhau đều thực hiện mục tiêu nhất định nhưng để khâu nối thành mục tiêu chung của ASEAN.
Theo đó, có hai mục tiêu quan trọng là tăng thương mại nội khối lên gấp đôi vào năm 2025 và giảm chi phí giao dịch 10% vào năm 2020 nên rất cần sự gắn kết giữa các khâu để hoàn thành mục tiêu này.
Đáng lưu ý, thách thức của ASEAN thời gian qua là dù cam kết cảu lãnh đạo và quyết tâm của các nước, hàng rào của thuế quan về cơ bản giữa các nước ASEAN đã được đưa về 0%.
Tuy nhiên, tỷ lệ thương mại nội khối vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của các nước mà một trong những lý do đưa ra là hàng rào phi quan thuế vẫn còn hiện hữu trong nội khối.
Cùng đó, các biện pháp để tạo thuận lợi cho thương mại cần thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa. Vì vậy, kết quả hội nghị lần này tập trung vào hai nội dung này.
Đầu tiên, về hàng rào phi quan thuế trong ASEAN có nhiều nhóm khác nhau để bàn về phi quan thuế nên việc đầu tiên là phải thống nhất được tất cả các biện pháp và củng cố lại cơ chế thông báo. Chính vì vậy, cuộc họp lần này đã tập trung bàn về thông tin liên quan đến phi quan thuế sẽ tập trung tại một đầu mối, cập nhật thường xuyên và đưa lên website thống nhất.
Mặt khác, thông qua tham vấn doanh nghiệp hoặc nghiên cứu độc lập để tiến hành đánh giá trong một số lĩnh vực xem biện pháp phi thuế cản trở thương mại nội khối ở mức độ nào.
Do vậy, cuộc họp lần này đã xác định được những ưu tiên đó để thời gian tới có thể triển khai ngay việc đánh giá tác động của biện pháp phi quan thuế trong ASEAN thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau.
Đặc biệt, cuộc họp đã đưa ra được chương trình để từ nay đến cuối năm phải có kết quả cụ thể về đánh giá này để từ đó đưa ra khuyến nghị thực tế để đáp ứng được kỳ vọng của doanh nghiệp cũng như các chính sách phi quan thuế của các nước không làm cản trở thương mại giữa các nước ASEAN với nhau.
Tại cuộc họp lần này cộng đồng doanh nghiệp cũng đã nêu rất nhiều về lĩnh vực quan tâm, nhất là việc đơn giản hoá thủ tục hành chính để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ khu vực ASEAN. Đây cũng chính là mục tiêu lớn của ASEAN để các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể tham gia được vào chuỗi cung ứng trong khu vực.
Cuộc họp cũng đã giao việc cụ thể cho các nhóm công tác, nhất là về hải quan để tính toán đưa ra sáng kiến cụ thể. Một trong những điểm mới tại cuộc họp bàn về việc vài nước đã có những kinh nghiệm tốt sẽ đi đầu để phổ biến nhân rộng cho ASEAN nhằm tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Ông có thể đánh giá về triển vọng hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và các nước thành viên trong ASEAN trong thời gian tới?
Hợp tác kinh tế là một trong ba điểm sáng về hợp tác chung với ASEAN trong thời gian qua. Bởi, trong hợp tác với ASEAN có hai mảng chính mà các nước ASEAN tập trung thực hiện.
Một là các nước nội khối giữa các nước ASEAN với nhau và hai là hợp tác giữa ASEAN với các nước đối tác hay còn gọi là ngoại khối.
Về hợp tác cả nội khối và ngoại khối, nhìn vào bức tranh tổng hợp của ASEAN, tiềm năng có thể thúc đẩy hợp tác là rất lớn.
Theo dự báo của nhiều tổ chức quốc tế có uy tín đưa ra, đến năm 2030 ASEAN sẽ trở thành một trong 4 nền kinh tế lớn nhất trên thế giới. Như vậy, không gian để các nước có thể tăng cường nội khối giữa các nước với nhau cũng như ngoại khối với các nước khác đều rất lớn.
Về hợp tác nội khối, đặc thù của ASEAN tương đối khác so với các khu vực khác vì ASEAN là một khối có nền kinh tế tương đối đa dạng. Chính vì vậy, hợp tác nội khối của ASEAN vẫn cố gắng duy trì bản sắc đa dạng đó của ASEAN.
Nếu nhìn vào hình ảnh của ASEAN sẽ thấy hình ảnh bó lúa tượng trưng cho tập hợp lại sức mạnh của nhau trong đoàn kết. Do đó, trong những ưu tiên hợp tác trong ASEAN không phải cạnh tranh với nhau mà tạo ra không gian kinh tế chung để các nước ASEAN có thể cùng sản xuất để hỗ trợ nhằm tăng cường kết nối giữa các nước ASEAN.
Chính vì vậy, ASEAN được coi là khu vực năng động nhất thế giới hiện nay với nền kinh tế ở trong khối phát triển với tốc độ rất nhanh. Về tổng thể, khu vực ASEAN được coi là một trong những khu vực tăng trưởng cả về kinh tế và thương mại thuộc loại cao nhất trên thế giới.
Hơn nữa, với vị trí chính trị cũng như tiềm năng phát triển kinh tế rất lớn trong thời gian qua cũng như thời gian sắp tới, ASEAN đã trở thành đối tác đáng tin cậy trong hợp tác kinh tế với các đối tác bên ngoài. Do đó, không gian cho hợp tác giữa ASEAN với các nước đối tác ngoại khối dự kiến có nhiều tiềm năng để phát triển.
Đến nay, ASEAN đã có 6 Hiệp định thương mại tự do với 7 đối tác thương mại khác nhau. Ngoài ra, ASEAN cũng có những chương trình hợp tác thảo luận với nhiều đối tác khác trên thế giới.
Thông qua các khuôn khổ này, ASEAN ngày càng đẩy mạnh hơn nữa hợp tác ngoại khối, đặc biệt trong cả giai đoạn vừa qua, ASEAN đã thúc đẩy hình thành nên một Hiệp định thương mại tự do với quy mô lớn nhất trên thế giới xét về dân số. Đó là Hiệp định Đối tác Toàn diện Khu vực (RCEP). Đây là bước đầu tiên của ASEAN hướng tới thể hiện tính chủ động và tính chú tâm của ASEAN trong các mối liên kết kinh tế và khu vực.
Nếu như sáng kiến này gặt hái được những kết quả thành công thì ASEAN có thể được coi là trung tâm và trung gian để kết nối các nền kinh tế lớn với nhau. Nếu thể hiện được vai trò này, hợp tác giữa ASEAN với các nước ngoại khối dự kiến sẽ ngày càng được đẩy mạnh và tăng cường trong tương lai.
Năm Chủ tịch 2020 với chủ đề “ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng” đã phản ánh đúng nhu cầu của Việt Nam và các nước thành viên trong ASEAN, nhất là trong bối cảnh cục diện thế giới và khu vực đang thay đổi nhanh chóng.
Đặc biệt, năm Chủ tịch ASEAN, Việt Nam ưu tiên kế thừa những định hướng trong những giai đoạn phát triển trước của ASEAN mà vẫn phản ánh được đầy đủ xu thế phát triển chung của khu vực và thế giới nhưng đồng thời phản ánh được nhu cầu nội khối và các đối tác.
Trong bối cảnh kinh tế thế giới đang có những diễn biến rất nhanh chóng và phức tạp, đòi hỏi một khả năng thích ứng rất nhanh của ASEAN. Bên cạnh đó, còn là những nền tảng liên quan đến công nghệ như cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, kinh tế số, thương mại điện tử các chuỗi giá trị trong các lĩnh vực công nghiệp hay các nhóm ngành hàng có tính đặc thù của khu vực ASEAN và Đông Nam Á cũng có diễn biến gây chia rẽ trong hệ thống thương mại.
Tất cả những điều này đòi hỏi vai trò điều hành cùng với các nước ASEAN khẳng định lại một lần nữa ở cục diện mới, sự kết nối, liên kết để đảm bảo khả năng chống chọi với môi trường mới, tiếp tục tạo ra sức sống mới cho ASEAN cũng như cho các khung khổ hợp tác của ASEAN với các nước đối tác.
Theo dự kiến, Hiệp định RCEP mà Việt Nam, ASEAN cùng với các nước đối tác sẽ ký kết tại Việt Nam chắc chắn cũng sẽ mang lại cục diện mới, kết cấu mới của thương mại khu vực và quốc tế.
Hơn nữa, khu vực RCEP đang chiếm tới hơn 40% tổng GDP của thế giới nên chắc chắn sẽ có tác động rất mạnh đến toàn cầu hóa, thương mại tự do, tự do hóa thương mại và ngăn chặn chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch một cách có hiệu quả.
Xin trân trọng cảm ơn ông!