Ngày 29/11, ngày họp cuối cùng của Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII, bên lề Quốc hội, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan (ảnh) đã trao đổi với báo chí xung quanh nội dung kỳ họp này.
* Thưa Phó Chủ tịch, bà đánh giá thế nào về kỳ họp này của Quốc hội?
Theo tôi, không khí dân chủ cởi mở và những đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã thể hiện được ý chí và nguyện vọng của toàn dân, thông qua việc góp ý vào những báo cáo của Chính phủ, tham gia vào các dự án luật và có lẽ những nội dung của kỳ họp được hoàn thành tốt đẹp. Chúng ta rất phấn khởi vì những vấn đề lớn, có tính chất trọng tâm của kỳ họp, ngoài những dự thảo luật thì Hiến pháp được thông qua trong một không khí hết sức dân chủ và công khai. Với một tỷ lệ 97,39%, chứng tỏ Hiến pháp này đã được chuẩn bị rất công phu và tập trung được trí tuệ của toàn thể nhân dân, các ĐBQH có trách nhiệm trong việc tham gia vào dự thảo Hiến pháp và trong việc ấn nút để thông qua toàn văn Hiến pháp. Và tôi cũng tin tưởng rằng sau khi Hiến pháp được thông qua thì Việt Nam sẽ có những đổi mới.
* Theo Phó Chủ tịch, những quy định nào của Hiến pháp sẽ tạo nên sự đổi mới này?
Có rất nhiều quy định sẽ tạo sự đổi mới cho đất nước. Thứ nhất là về các chế độ chính trị, Hiến pháp khẳng định chế độ chính trị của Việt Nam ổn định. Sự ổn định chế độ chính trị như hiện nay sẽ là tiền đề cho sự phát triển về kinh tế, xã hội.
Thứ hai là có những điều rất đổi mới trong vai trò của Mặt trận Tổ quốc. Đặc biệt, Công đoàn được ghi ở 2 điều, điều 9 và điều 10, không những được khẳng định là thành viên của MTTQ mà còn có vị trí rất quan trọng. Ở đây đánh giá sự tin tưởng của nhân dân vào giai cấp công nhân, tức là vào công đoàn, vào vai trò và vị trí của công đoàn trong sự xây dựng và phát triển đất nước.
Điểm thứ ba rất quan trọng là điều 50, 51 về thành phần kinh tế và khẳng định một lần nữa kinh tế nhà nước là chủ đạo. Chúng ta cũng xác định nền kinh tế nước ta có rất nhiều thành phần kinh tế, khẳng định những thành phần kinh tế như hiện nay. Các thành phần kinh tế được cạnh tranh bình đẳng trước pháp luật, nhưng kinh tế nhà nước vẫn giữ vai trò chủ đạo. Điều này sẽ xác định được hướng đi cho nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Một điểm mới nữa sẽ tháo gỡ cho sự phát triển của lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất là các doanh nhân, doanh nghiệp được đưa vào Hiến pháp.
Và còn rất nhiều điều mới mà tôi chỉ dẫn chứng một số điều. Ngoài ra vai trò của quốc phòng an ninh, vai trò của Quốc hội, Chính phủ, Chủ tịch nước. Chế định, quan hệ giữa Chủ tịch nước, Chính phủ, Quốc hội được cụ thể hóa hơn rất nhiều. Đặc biệt là Chủ tịch nước có thêm vai trò mới trong thống lĩnh lực lượng vũ trang. Mối quan hệ giữa Nhà nước chúng ta không phải là tam quyền phân lập mà ở đây là Nhà nước với sự phân công, phối hợp điều hòa và kiểm soát quyền lực lẫn nhau. Cho nên chế định giữa Chủ tịch nước, Chính phủ và Quốc hội sẽ làm cho mối quan hệ này tốt lên, kiểm soát nhau tốt hơn. Và chắc chắn sẽ thực hiện được quyền của nhân dân được quy định trong Hiến pháp.
* Xin cảm ơn Phó Chủ tịch!
X.M (ghi)