Tỉnh Gia Lai đã xây dựng được hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT), tạo thuận lợi cho học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số theo học. Ở nhiều xã trong tỉnh đã hình thành các trường bán trú dân nuôi và duy trì tốt từ nhiều năm nay. Ở cấp huyện, thị xã có trường PTDTNT cấp trung học cơ sở (THCS) và ở cấp tỉnh có trường nội trú cấp trung học phổ thông (THPT), mỗi năm thu hút gần 3.000 em trong độ tuổi theo học (không tính các lớp học bán trú).
Tuy nhiên, các em học sinh dân tộc ở các trường PTDTNT huyện, thị xã trên địa bàn đang gặp khó trong việc chuyển cấp học từ lớp 9 (cấp THCS) lên lớp 10 (cấp THPT) và học lên những lớp tiếp theo. Đầu vào của lớp 10 trường PTDTNT tỉnh hiện chỉ tiếp nhận với số lượng rất ít, không đáp ứng được nhu cầu học tập của các em học sinh dân tộc khi học xong đến lớp 9. Như vậy, hàng năm, mỗi trường ở cấp huyện chỉ có 7 - 8 học sinh "đầu quân" được vào lớp 10 của trường tỉnh; số học sinh còn lại được nhà trường định hướng và liên hệ với các trường học khác để cho các em tiếp tục theo học, như Trường Trung cấp Văn hóa - nghệ thuật, trung cấp nghề, các trường THPT trên địa bàn.
Thực tế, các em học sinh dân tộc đều thuộc diện nghèo, trường PTDTNT là môi trường thuận lợi để cho các em phát triển. Khi chuyển cấp, các em lại phải bước vào một môi trường mới và là khó khăn cho các gia đình khi muốn tiếp tục cho con em mình theo học lên các lớp trên, vì nhiều khoản chi phí mà cha mẹ các em phải tự lo liệu, chứ không còn bao cấp như trước đây nữa như: tiền thuê nhà ở trọ, tiền ăn hàng ngày, tiền mua sách vở, sắm quần áo... Từ thực tế đó, phần nhiều các em sau khi học xong lớp 9 phải trở về buôn làng để "bắt vợ - bắt chồng" và lo làm ăn, không còn thiết tha với việc học tập nữa. Cũng có những em say mê học tập và theo học lên lớp 10 ở các trường THPT công lập, nhưng rồi nửa chừng vì nhà nghèo cũng bỏ học.
Nhiều năm nay, các trường PTDTNT huyện, thị xã đều có chung một kiến nghị là: Tỉnh cho phép nâng tổng số học sinh của mỗi trường từ 150 lên 300 học sinh, đồng thời nâng liên cấp học THCS - THPT để đảm bảo cho học sinh theo học đến hết bậc phổ thông. Nhưng kiến nghị này đến nay vẫn chưa được lãnh đạo tỉnh và ngành chức năng nhất trí; trong khi đó, một số trường ở các tỉnh như Kon Tum, Đắk Nông và Lâm Đồng đã triển khai thực hiện mô hình này và đạt kết quả tốt.
Thầy giáo Lê Hữu Phong, Hiệu trưởng Trường PTDTNT huyện Mang Yang cho biết: Do chưa thực hiện được chương trình dạy liên cấp THCS - THPT, nhà trường đã định hướng và động viên cho các em học xong lớp 9 sang học trường THPT của huyện nhưng cũng chỉ được khoảng 50% và đến cuối cấp chỉ còn chưa đầy 20% học sinh. Thầy Phong còn cho biết thêm: Đội ngũ giáo viên đứng lớp hiện nay của nhà trường có đến 80% giáo viên tốt nghiệp đại học sư phạm, trong đó có đến hơn một nửa là tốt nghiệp chính quy. Với đội ngũ này, nhà trường sẽ đảm bảo về số lượng và chất lượng giảng dạy cho các em học sinh theo học lên cấp THPT tại trường mà không phải tuyển dụng thêm nhiều biên chế nữa.
Văn Thông