Đã từng có thời gian dài, nói đến ba vùng Tây Bắc - Tây Nguyên - Tây Nam Bộ, là nhắc đến đói nghèo, lạc hậu và hủ tục. Giờ đây mọi chuyện đã khác. Nhờ sự quan tâm đầu tư của Đảng và Nhà nước, với các chương trình, chính sách, dự án đầu tư thiết thực cho vùng đồng bào dân tộc và miền núi; diện mạo của ba vùng chiến lược đã thay đổi với những gam màu ngày càng tươi sáng hơn.Những chính sách hiệu quả Theo Ủy ban Dân tộc, hiện có 130 chính sách dành cho vùng đồng bào dân tộc, trong đó có ba vùng Tây Bắc - Tây Nguyên - Tây Nam Bộ; do các bộ, ngành triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, các địa phương cũng đã chủ động thể chế hóa quan điểm của Đảng và Nhà nước, bằng việc ban hành những chính sách riêng phù hợp với địa bàn, với tổng kinh phí đầu tư lên đến hàng trăm nghìn tỷ đồng.
Làm đường giao thông miền núi tạo đòn bẩy phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh: Trọng Thủy
|
Các chính sách dân tộc khá đầy đủ, toàn diện trên các lĩnh vực, phủ kín các địa bàn vùng dân tộc và miền núi; đã giúp nhiều địa phương có bước phát triển mạnh mẽ về kinh tế, chính trị, xã hội. Đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo vùng dân tộc và miền núi giảm từ 14,2% năm 2010, xuống còn 7,8%, năm 2013; tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo cũng giảm bình quân từ 5 - 7%/năm. Các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội có bước phát triển tích cực; dân trí được nâng lên, văn hóa được bảo tồn, tăng cường, củng cố niềm tin của đồng bào đối với sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, góp phần quan trọng vào việc đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Ông Tô Văn Tám, Phó trưởng đoàn chuyên trách đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum: Di dân tái định cư ở Tây Nguyên thời gian qua đã đạt những kết quả tốt, người dân được đến nơi ở mới đẹp hơn, quy hoạch bài bản. Những dự án tái định cư cơ bản đảm bảo tiến độ và chất lượng công trình xây dựng.
Tuy nhiên, trong vấn đề di dân vẫn còn một số tồn tại. Về chủ trương, nơi ở mới phải tốt hơn hoặc bằng nơi ở cũ, nhưng hiện nay một số dự án chỗ ở mới chưa tốt hơn, nên khó khăn cho đồng bào. Bên cạnh đó, tại nơi ở cũ diện tích sản xuất khai hoang từ lâu gắn với chỗ ở của người dân, đảm bảo diện tích đất sản xuất cho cuộc sống, nhưng khi quy hoạch vùng tái định cư thì việc chuẩn bị đất sản xuất cho người dân chưa tốt, chưa đủ diện tích, hoặc chất lượng đất sản xuất không bằng chỗ cũ.
Còn một tồn tại nữa là vùng tái định cư thiết kế nhìn thì đẹp, nhưng chưa đảm bảo gắn với phong tục, tập quán truyền thống, nên có trường hợp đồng bào dỡ nhà cũ đưa lên vùng tái định cư để ở. Do đó, yếu tố văn hóa trong khu tái định cư là rất quan trọng.
Bà Nguyễn Thanh Thủy, Phó trưởng đoàn chuyên trách đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang:
Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, thời gian qua đã có những chỉ đạo tích cực về liên kết vùng, tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo, với nhiều thành phần: Từ lãnh đạo Chính phủ, bộ, ngành, chuyên gia nghiên cứu, chuyên gia quốc tế, nhà quản lý, để bàn giải pháp và thu hút vốn đầu tư vào khu vực Tây Nam Bộ. Việc liên kết sản xuất tiêu thụ nông sản cho nông dân cũng đã hình thành nhiều dự án khởi động, đầu tư, cam kết.
Xuân Cường (thực hiện) |
Chương trình 135, do UBDT chủ trì, được triển khai từ năm 2008 đến nay, đã bước sang giai đoạn III và được đánh giá là “xương sống” của các chính sách, được triển khai đồng bộ, giúp nhiều hộ đồng bào thoát nghèo, nhiều công trình cơ sở hạ tầng được xây mới và nâng cấp.
Mặc dù chưa một lần chạm tay vào máy vi tính, nhưng khi thấy con gái khoe tìm thấy điểm thi đại học và thông tin giá sách vở trên mạng Internet, ông Lò Văn Mấng, nông dân bản Ló, xã Thanh Luông (tỉnh Điện Biên) ngỡ ngàng thốt lên: “Tài thật, cái gì In-tơ-nét nó cũng biết! Có công nghệ thông tin như thế này, nông dân không phải đi xa mà vẫn có thể học tập kiến thức phục vụ sản xuất, chăn nuôi. Nông thôn thực sự đổi mới, Thanh Luông đã thoát khỏi diện xã đặc biệt khó khăn rồi!”.
Còn bà Lèng Thị Páy, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên kể: Cách đây chừng chục năm, đường vào huyện chủ yếu là đường đất, đường dân sinh trong rừng. Đồng bào đi lại phải “cuốc bộ”. Nếu muốn lên A Pa Chải, cách duy nhất là băng qua những cánh rừng “mây trên đầu và suối dưới chân”, phải đi khoảng nửa tháng thì đến nơi. Vậy mà ngày nay, con đường đã rộng thênh thang, chạy suốt từ thành phố Điện Biên Phủ lên đến A Pa Chải.
Nguồn vốn của chương trình 135, cùng với các nguồn vốn từ các dự án khác, thực sự làm thay đổi bộ mặt nông thôn miền núi, vùng dân tộc thiểu số. Kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất, đời sống, tiếp tục được đầu tư xây dựng và phát huy tác dụng, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn chuyển dịch theo hướng tích cực, phát triển kinh tế theo mô hình trang trại, dịch vụ nông nghiệp; nghề thủ công truyền thống từng bước được khôi phục, mở rộng. Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, Sơn Phước Hoan, khẳng định: “Việc triển khai Chương trình 135 là quyết định đúng đắn, phù hợp với nguyện vọng nhân dân, tạo diện mạo mới cho vùng đặc biệt khó khăn, xã biên giới, an toàn khu, là tiền đề để đồng bào vươn lên phát triển sản xuất, cải thiện cuộc sống, xóa đói giảm nghèo bền vững”.
Miền đất Tây Nguyên giờ đây là mảnh đất của hoa cúc quỳ nở vàng rực rỡ, những lô cao su xanh thẳm buôn làng và những vườn cà phê, chè, hồ tiêu xum xuê, trĩu trịt. Ông A Thút, dân tộc Xơ Đăng, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum, vui vẻ cho biết: “Cà phê được mùa, giá lại cao, ruộng no nước cho cái lúa nhiều bông”. Theo A Thút, dân tộc Xơ Đăng ở vùng quê này xưa kia nghèo đói lắm. Người dân phải vào rừng đào củ, lấy rau kiếm sống qua ngày. Bây giờ no cái bụng, lũ trẻ có trường học khang trang, có trạm y tế, nhà tái định cư xây tươi rói lại càng nhớ đến công lao của Đảng bộ, chính quyền huyện, tỉnh đã lo cho dân từng miếng cơm, tấm áo.
Tây Nguyên gồm 5 tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng, với diện tích tự nhiên gồm 55.000 km2, chiếm 16,8% diện tích cả nước. Dân số hiện có khoảng 5 triệu người, trong đó khoảng 1,6 triệu là đồng bào các dân tộc thiểu số thuộc 47 dân tộc anh em. Đến Tây Nguyên hôm nay, cho dù ở phố phường hay tít tắp vùng sâu, người dân không còn chỉ lo cho “cái bụng”, mà giờ đây đã có của ăn, của để, mặc đẹp, ăn ngon. Chị Rơ Châm Buk, dân tộc Jơ Rai, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai tâm sự: “Tôi là công nhân công ty cao su Chư Prông, làm cao su bây giờ lương cao, thưởng lớn, thật là ưng cái bụng lắm”. Lương chị Rơ Châm Buk mỗi tháng trên 5 triệu đồng, chưa tính thưởng nếu vượt khoán. Không chỉ riêng chị Buk có được niềm vui ấy, giờ đây đến Tây Nguyên rất dễ bắt gặp những gương mặt rạng ngời, toát lên một cuộc sống no đủ, ấm êm.
Đến nay, nền kinh tế nhiều thành phần ở Tây Nguyên đang hình thành và phát triển, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa. Cơ sở hạ tầng có hướng phát triển mới: 98% số xã có điện lưới quốc gia; 100% số xã có trường tiểu học; gần 80% số xã có điểm bưu điện văn hóa; 98,49% số xã có trạm y tế; 93, 34% có đường ô tô đến trung tâm xã. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân trong 5 năm qua đạt trên 11%. Đã xóa được hàng chục ngàn hộ đói nghèo.
Cùng với Tây Bắc, Tây Nguyên, công tác xóa đói giảm nghèo vùng dân tộc thiểu số ở Tây Nam Bộ những năm qua cũng đã đạt được nhiều đáng ghi nhận. Tỉnh Sóc Trăng có số dân hơn 1,3 triệu người, trong đó có hơn 30% số dân là đồng bào dân tộc Khmer, với 401.747 người, đông nhất cả nước; có 44 xã khu vực III và 240 ấp, khóm đặc biệt khó khăn đang được đầu tư triển khai thực hiện các chương trình, dự án và chính sách dân tộc. Ông Liêu Anh Tuấn, dân tộc Khmer, ở huyện Mỹ Xuyên chia sẻ: "Con đông, được cha mẹ chia cho ba công đất trồng lúa, năng suất hằng năm rất thấp, kinh tế gia đình không ổn định. Năm 2004, tôi vào tổ hợp tác nuôi bò sữa, được chính quyền địa phương quan tâm hỗ trợ một con bò sữa. Ðể có thêm kinh nghiệm chăm sóc bò và bán được sữa tôi đã tham gia Hợp tác xã Evergowth".
Từ đó, gia đình ông Tuấn được hợp tác xã cung cấp các dịch vụ thức ăn tinh, thuốc thú y; Trạm Khuyến nông, Trạm Thú y huyện và kỹ thuật viên hợp tác xã tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật và cho đi tham quan các mô hình chăn nuôi bò sữa ở Bình Dương. Từ một con bò sữa, đến nay tổng đàn bò sữa gia đình ông tăng lên 16 con, trong đó có 7 con đang cho sữa, sản lượng sữa mỗi ngày khoảng 90 kg, bán giá hơn 12.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, mỗi ngày, gia đình ông lãi khoảng 700.000 đồng. Nhờ vào nuôi bò sữa, kinh tế gia đình ổn định hơn trước nhiều.
Thực hiện chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã, thôn, ấp đặc biệt khó khăn, từ năm 1999 đến nay, Sóc Trăng đã đầu tư cho 137 lượt xã và 170 lượt ấp đặc biệt khó khăn, với kinh phí hơn 744,3 tỷ đồng; hỗ trợ 26.325 căn nhà cho hộ nghèo về nhà ở, trong đó, có 7.915 hộ nghèo là đồng bào dân tộc Khmer theo Quyết định 167; hỗ trợ xây dựng 33.154 nhà ở cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo theo Quyết định 134; triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, giải quyết việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn; kéo điện cho 20.000 hộ dân, chủ yếu là hộ nghèo dân tộc Khmer… Cơ sở vật chất văn hóa, giáo dục tiếp tục được quan tâm đầu tư; có 159 trường dạy song ngữ Việt - Khmer. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 36% năm 2010, xuống còn 27% năm 2013, với gần 7.700 hộ thoát nghèo.
Các bộ, ngành đều phải vào cuộcĐể nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công tác dân tộc, huy động cao nhất các nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo nhanh và bền vững, nâng cao mức sống của đồng bào vùng dân tộc và miền núi, ngày 10/9/2014, Thủ tướng ban hành Chỉ thị số 28/CT - TTg về nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công tác dân tộc, trong đó trọng điểm là ba vùng Tây Bắc - Tây Nguyên - Tây Nam Bộ.
Cụ thể, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công tác dân tộc, thể chế hóa những quan điểm ưu tiên thành cơ chế, chính sách cụ thể; xây dựng cơ chế điều phối, phối hợp hiệu quả giữa Ủy ban Dân tộc với các bộ, ngành, địa phương trong việc xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách dân tộc; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện chính sách dân tộc. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chính sách, chương trình, dự án ở vùng dân tộc và miền núi giai đoạn 2011- 2015; ưu tiên đảm bảo nguồn lực để thực hiện các chính sách dân tộc trong năm 2014, 2015; chủ động huy động, lồng ghép các nguồn lực để thực hiện các chính sách, chương trình, dự án trên địa bàn, nhất là vùng đặc biệt khó khăn.
Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải tập trung rà soát, đánh giá kết quả thực hiện các chính sách dân tộc đến năm 2015; đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, chương trình, dự án phù hợp tình hình thực tế và khả năng cân đối nguồn lực, bảo đảm tính khả thi, tránh chồng chéo, góp phần phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc, miền núi theo hướng phát triển nhanh, bền vững; xây dựng các đề án, chính sách theo các mục tiêu cơ bản, dài hạn, ổn định và giảm đầu mối quản lý; tập trung ưu tiên các lĩnh vực: Phát triển cơ sở hạ tầng, giáo dục, đào tạo nghề và phát triển nguồn nhân lực, chuyển giao khoa học công nghệ, hỗ trợ tín dụng, phát triển sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông, lâm nghiệp, khuyến khích thu hút đầu tư vào vùng dân tộc thiểu số và miền núi; hạn chế dần các chính sách hỗ trợ cho không, chuyển mạnh sang cơ chế ưu đãi, hỗ trợ các yếu tố đầu vào phục vụ sản xuất và đời sống, khuyến khích đồng bào vươn lên xóa đói giảm nghèo.
Việc triển khai các chính sách, dự án đầu tư vào vùng dân tộc và miền núi giai đoạn tới cần phân kỳ đầu tư và thực hiện theo hướng đầu tư trung hạn, phân công cụ thể, rõ ràng trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương. Đổi mới phương thức tổ chức thực hiện chính sách thông qua kết nối các chính sách hiện hành trong một dự án, mô hình phù hợp với từng vùng, miền, phạm vi quy mô thôn, bản, nhóm hộ, bảo đảm thiết thực và hiệu quả.
Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ nêu rõ: Ủy ban Dân tộc phải phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ và các cơ quan nghiên cứu khoa học trong nghiên cứu và sử dụng kết quả nghiên cứu của các chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia về phát triển bền vững các vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, phục vụ việc xây dựng chính sách phát triển kinh tế - xã hội theo địa bàn phù hợp với đặc thù từng vùng; phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ các địa phương vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ phát triển các sản phẩm chủ lực có lợi thế gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm của mỗi vùng. Nghiên cứu, đề xuất chính sách hỗ trợ có điều kiện với cơ chế ưu đãi, khuyến khích đồng bào tự lực vươn lên xóa đói giảm nghèo, để từng bước thay thế các chính sách hỗ trợ trực tiếp và cho không. Nghiên cứu lồng ghép chính sách hỗ trợ cho các dân tộc thiểu số rất ít người vào các chính sách trung hạn. Đồng thời, Ủy ban Dân tộc phải đánh giá cụ thể, toàn diện việc thực hiện Chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, hộ nghèo ở xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn và đề xuất giải pháp cụ thể…
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk, Y Dhăm Ênuôl:
Xứng đáng với vị thế trung tâm Tây Nguyên
Từ nay đến năm 2020, tỉnh Đắk Lắk tiếp tục phát huy hiệu quả nội lực, thu hút các nguồn ngoại lực nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, chuyển dịch các ngành kinh tế theo hướng chất lượng, khai thác có chiều sâu các ngành kinh tế có lợi thế so sánh đi đôi với nâng dần chất lượng các mặt xã hội, đưa Đắk Lắk xứng đáng với vị thế là trung tâm vùng Tây Nguyên, trên cơ sở phù hợp với định hướng phát triển chung của vùng Tây Nguyên và cả nước.
Tỉnh cũng chú trọng hỗ trợ phát triển sinh kế và hạ tầng xã hội cho các khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, giảm nghèo bền vững nhằm thu hẹp khoảng cách hưởng thụ đời sống văn hóa xã hội giữa các khu vực trong tỉnh. Gắn mục tiêu kinh tế với các mục tiêu bảo vệ môi trường sinh thái, ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm nhẹ thiên tai, đảm bảo an ninh quốc phòng trên địa bàn. Đến năm 2030, Đắk Lắk trở thành tỉnh phát triển theo hướng “Xanh - Giàu bản sắc văn hóa - Chất lượng sống - Thân thiện”. Nền kinh tế dựa trên những nền tảng phát triển bền vững, tập trung phát triển kinh tế xanh gắn với hiệu quả bảo vệ môi trường, gồm các trụ cột cơ bản du lịch sinh thái, dịch vụ đầu mối vùng, công nghiệp thân thiện với môi trường, nông nghiệp sạch. Mạng lưới hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp được xây dựng tương đối đồng bộ gắn với mạng lưới dịch vụ nông nghiệp hiệu quả. Nông thôn Đắk Lắk phát triển theo hướng tiến bộ, đời sống và bản sắc văn hóa dân tộc được bảo tồn và phát huy theo hướng bền vững…
Đến năm 2030 mức thu nhập bình quân đầu người của tỉnh Đắk Lắk tương đương với mức trung bình cả nước 8.000 - 8.300 USD. Cơ cấu kinh tế tương đối hiện đại: Dịch vụ, công nghiệp, nông nghiệp: 36,9% - 32,6% - 30,5%. Tốc độ tăng trưởng kinh tế duy trì ở mức 8,5%/năm giai đoạn 2021-2030. Tổng sản phẩm GDP tăng gấp2,3 lần so với năm 2030.
Phó Bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái, Phạm Duy Cường:
Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng
Để thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, một trong những giải pháp mà tỉnh Yên Bái đưa ra là: Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, dần thay thế các giống cũ năng suất, chất lượng thấp bằng các giống mới có năng suất, chất lượng tốt phù hợp với từng vùng sinh thái, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. Bảo tồn, phục tráng phát triển các giống cây trồng đặc sản có giá trị kinh tế cao như: Lúa nếp Tú Lệ, chề Shan…
Đầu tư phát triển sản xuất giống cây trồng tại chỗ để chủ động tạo nguồn giống đạt tiêu chuẩn, cung cấp cho nhu cầu phát triển sản xuất trong tỉnh; ổn định, phát triển và hình thành các vùng sản xuất tạo sản phẩm hàng hóa; lựa chọn, ưu tiên phát triển những cây trồng thích hợp với điều kiện tự nhiên, có lợi thế so sánh với các cây trồng khác để tạo sản phẩm hàng hóa gồm: Vùng lúa hàng hóa chất lượng cao, vùng sản xuất chè chuyên canh tập trung, vùng cây ăn quả đặc sản có múi, vùng sản xuất rau đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, vùng tre măng bát độ, vùng sản xuất quế, vùng cây sơn tra.
Để làm được việc này, tỉnh Yên Bái đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao nhanh kỹ thuật, công nghệ tiên tiến, đặc biệt là công nghệ sinh học trong canh tác, thu hoạch, chế biến, bảo quản nông sản. Xây dựng mô hình trình diễn và nhanh chóng nhân rộng các mô hình sản xuất tốt, đặc biệt là ở vùng cao, nhằm thay đổi tập quán canh tác lạc hậu; làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh, đảm bảo an toàn theo hướng sản xuất nông nghiệp sạch, bền vững.
Ông Ngô Chí Cường, Phó Bí thư Tỉnh ủy Trà Vinh:
Ưu tiên cho giáo dục và dạy nghề
Nhờ huy động được cả hệ thống chính trị, nguồn lực toàn xã hội thực hiện công tác giảm nghèo, từng bước thay đổi diện mạo mới cho vùng đồng bào Khmer trong tỉnh, đến nay kinh tế - xã hội vùng đồng bào Khmer đã có sự chuyển biến tích cực, đời sống đồng bào Khmer được cải thiện đáng kể, tỷ lệ hộ Khmer nghèo được giảm bình quân 4%/năm.
Tuy nhiên, công tác giảm nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số cần có sự điều chỉnh, có thêm những giải pháp mang tính chiều sâu để thoát nghèo bền vững. Cụ thể, nguồn vốn giảm nghèo nên tập trung về một đầu mối thực hiện và giao quyền chủ động cho địa phương để đảm bảo nguồn lực đầu tư đúng nhu cầu và sát hợp với điều kiện thực tế của vùng nghèo, hộ nghèo. Cùng với đó, cần có sự ưu tiên đầu tư cho công tác đào tạo nghề; trong đó, chú trọng đào tạo nghề nông nghiệp, đào tạo nghề theo địa chỉ có nhu cầu lao động. Giải pháp căn cơ, bền vững nữa là chính sách, nguồn lực đầu tư tương xứng cho giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhằm nâng cao dân trí, tạo nguồn lực lao động có trình độ, tay nghề ứng dụng khoa học kỹ thuật, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, giải quyết việc làm, tạo thu nhập ổn định, giúp đồng bào dân thiểu số thoát nghèo bền vững. |
Trọng Thủy- Quang Huy - Phúc Sơn