Nằm ở phía đông bắc tỉnh Điện Biên, bốn bề là những dãy núi cao, cách trung tâm thành phố 30 km đường đồi núi, đèo dốc, bản Tẩu Pung là một thung lũng khuất nẻo, biệt lập với thế giới bên ngoài.
Chặn dòng ngăn suối để nuôi cá - mô hình làm giàu của người dân vùng cao. |
Những năm trở về trước, Tẩu Pung được xếp trong diện bản nghèo trong 23 thôn, bản của xã Nà Nhạn, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên. Ngày nay, người dân Tẩu Pung đã tìm được hướng phát triển kinh tế bền vững. Nhiều hộ gia đình đã thay đổi tư duy sản xuất, dám bỏ vốn đầu tư, vươn lên làm giàu, trở thành triệu phú trên núi.
Ông Quàng Văn Sơn - Chủ tịch UBND xã Nà Nhạn, huyện Điện Biên cho biết: Ban đầu, nghề nuôi cá ở Tẩu Pung được một số hộ triển khai với quy mô nhỏ lẻ, manh mún, mang tính tự phát. 4 năm qua, nghề nuôi cá ở đây đã phát triển mạnh thành phong trào, cá ở Tẩu Pung đã trở thành thương hiệu nổi tiếng trên thị trường vùng lòng chảo Mường Thanh.
Bản Tẩu Pung, theo tiếng Thái có nghĩa là bản “Quả Bầu”, hiện có 80 hộ với trên 400 nhân khẩu, chủ yếu là người dân tộc Thái sinh sống. Nghề nuôi cá ở Tẩu Pung xuất phát từ nhu cầu thực phẩm của người dân trong mỗi bữa ăn hằng ngày. Người dân Tẩu Pung đã tận dụng nguồn nước mặt của những hố trũng để nuôi cá. Nhận thấy nuôi cá là nghề dễ thực hiện, cá mau lớn, ít bệnh tật, vốn ban đầu không cao, đầu ra cho sản phẩm đảm bảo, mau sinh lợi, nên người dân đã mạnh dạn đầu tư vào nghề này. Từ những mô hình nuôi cá đầu tiên của các hộ gia đình ông Tỉnh, ông Hiên, ông Tộ... đến nay, Tẩu Pung đã có hàng chục hộ thành công với nghề nuôi cá thương phẩm, xem nghề này là nghề chủ đạo, đưa kinh tế gia đình thoát nghèo và làm giàu bền vững.
Điều đặc biệt là người dân Tẩu Pung đã biết sử dụng diện tích mặt nước để phát triển nghề thủy sản. Hàng chục hộ dân đã mạnh dạn đem sức người ngăn dòng khe, suối, chia nhau diện tích để cùng phát triển, đánh thức tiềm năng thủy sản của một vùng thung lũng. Kỳ tích của người Tẩu Pung là sau những năm lặn lội tìm kiếm khe suối, đem sức người chinh phục thiên nhiên, đến nay diện tích ao, hồ mà người Tẩu Pung đã có lên đến gần 10 ha.
Ông Quàng Văn Đức - Chủ tịch Hội Nông dân xã Nà Nhạn, cho biết: Nghề nuôi cá đã trở thành thế mạnh và là nghề thoát nghèo của bản Tẩu Pung. Đến nay, Tẩu Pung đã thành lập được Chi hội nuôi trồng thủy sản với sự tham gia của 20 hộ dân. Diện tích mặt nước mà các hộ sử dụng dao động từ 600 m2 đến 1 ha. Đây là tiền đề tạo thương hiệu cho nghề chăn nuôi thủy sản ở Tẩu Pung có thương hiệu vươn ra thị trường lòng chảo Mường Thanh và các xã...
Ở Tẩu Pung các loại cá được nuôi thả phổ biến là: Cá trắm, mè, trôi, rô phi đơn tính... Theo phương thức khai thác “tỉa” (thu hoạch cá chọn lọc) nhiều đợt, cho năng suất từ 1,4 - 1,6 tấn/ha, tổng sản lượng của cả bản đạt trên 10 tấn/năm. Hằng năm, trừ các chi phí khác, hộ dân nuôi cá thương phẩm ở Tẩu Pung thu lãi từ 60 triệu đồng trở lên. Cá biệt có hộ thu lợi trên 100 triệu đồng/năm. Ông Lò Văn Tỉnh, một chủ mô hình nuôi cá ở bản Tẩu Pung, cho biết: “Trước đây, kinh tế gia đình tôi chỉ phụ thuộc vào diện tích nương trồng ngô, sắn. Sau 4 năm tìm đến mô hình nuôi cá, đến nay kinh tế của gia đình đã khá hơn nhiều. Với khoản tiền thu hoạch cá lên đến hàng trăm triệu đồng là điều trước đây không dám mơ đến”. Được biết, tháng 3/2012, ông Tỉnh đã thu lãi 120 triệu đồng bằng việc xuất cá thương phẩm ra thị trường.
Theo ông Quàng Văn Sơn - Chủ tịch UBND xã Nà Nhạn: Từ thành công của Tẩu Pung, chính quyền địa phương sẽ tham mưu, đề xuất huyện có chính sách “ưu tiên” để người dân Tẩu Pung yên tâm tổ chức sản xuất, phát triển nghề thủy sản có quy mô hơn, hiệu quả hơn nữa. Chúng tôi sẽ nhân rộng mô hình phát triển thủy sản ở Tẩu Pung tại các khu vực có điều kiện tự nhiên giống Tẩu Pung, như khu vực Nà Ngám, Nà Pen... để đưa kinh tế người dân thoát nghèo, phát triển hơn.
Bài và ảnh: Xuân Tiến