Theo Tân Hoa xã, tàu vũ trụ có người lái Thần Châu-9 của Trung Quốc hôm nay
(18/6) đã lắp ghép thành công với môđun Thiên Cung-1 đang bay trên quỹ đạo cách
Trái Đất 343 km. Đây được xem là một bước tiến mới trong chương trình vũ trụ của
nước này.
Tàu Thần Châu-9 mang theo nữ phi hành gia đầu tiên của Trung Quốc, đã hoàn tất
lần lắp ghép tự động đầu tiên trên vũ trụ với môđun Thiên Cung-1 và sự kiện này
đã được Đài truyền hình Nhà nước Trung Quốc truyền hình trực tiếp.
Tàu Thần châu-9 đang rời bệ phóng hôm 16/6. Ảnh THX/TTXVN |
Theo kế hoạch, trong 13 ngày làm việc, nhiệm vụ chính của
phi hành đoàn là thực tập các thao tác lắp ghép tàu Thần Châu-9 với môđun Thiên
Cung thay cho việc lắp ghép tự động, hoạt động này đòi hỏi các phi hành gia phải
có kỹ thuật cực kỳ chính xác và khéo léo.
Dự kiến, tàu Thần Châu-9 sẽ lắp ghép với môđun Thiên Cung
trong 6 ngày trước khi tách ra để phi hành đoàn thực hiện nhiệm vụ.
Phi hành đoàn của tàu vũ trụ Thần Châu-9 gồm ba người, trong đó có nữ phi hành
gia đầu tiên của Trung Quốc là Lưu Dương (Liu Yang) và hai phi hành gia khác là
Cảnh Hải Bằng (Jing Haipeng) và Lưu Vượng (Liu Wang).
Chỉ huy phi hành đoàn Cảnh Hải Bằng chịu trách nhiệm giám
sát toàn bộ tiến trình thực tập lắp ghép. Phi hành gia Lưu Vượng (Liu Wang) phụ
trách hoạt động lắp ghép bằng tay trong khi nữ phi hành gia Lưu Dương sẽ tiến
hành các thí nghiệm y học trên vũ trụ cùng các thử nghiệm vũ trụ khác.
Việc tàu Thần Châu-9 lắp ghép thành công với môđun sẽ đưa Trung Quốc tiến gần
hơn tới việc xây dựng trạm vũ trụ của riêng mình vào năm 2020. Nếu thành công,
Trung Quốc sẽ là quốc gia thứ ba sở hữu công nghệ này sau Nga và Mỹ.
Trước đó, vào ngày 16/6, tàu Thần Châu-9 được phóng thành
công lên vũ trụ bằng tên lửa đẩy Trường Chinh-2F từ Trung tâm Phóng Vệ tinh Tửu
Tuyền, phía Tây Bắc Trung Quốc.
TTXVN/Tin Tức