Theo Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, đến nay, các tỉnh trong khu vực đã thu hồi giấy phép, đình chỉ hoạt động của 183 cơ sở chế biến gỗ gần rừng, trong rừng tự nhiên.
Hiện tại, ở địa bàn Tây Nguyên có trên 1.510 cơ sở chế biến gỗ; trong đó, tỉnh Đắk Lắk có 522 cơ sở, Gia Lai có 481, Lâm Đồng có 423, Kon Tum có 52 và ít nhất là tỉnh Đắk Nông có 32 cơ sở.
Các tỉnh Tây Nguyên tiếp tục mở các đợt kiểm tra đối với các cơ sở chế biến gỗ, xử lý nghiêm đúng quy định của pháp luật, kiên quyết đình chỉ hoạt động các cơ sở chế biến gỗ vi phạm các quy định của Nhà nước. Các tỉnh cũng thu hồi, không cấp mới giấy đăng ký kinh doanh đối với các cơ sở chế biến gỗ không đảm bảo nguồn nguyên liệu hợp pháp hoặc không phù hợp với quy hoạch các cơ sở chế biến gỗ trên địa bàn. Các tỉnh Tây Nguyên cũng sẽ kiên quyết hơn nữa trong việc xử lý đóng cửa hoạt động, di dời dứt điểm các cơ sở chế biến gỗ đặt trong rừng, gần rừng tự nhiên.
Đắk Lắk là địa phương có nhiều cơ sở chế biến gỗ nhất so với các tỉnh khu vực Tây Nguyên. Đến nay, tỉnh đã có chính sách di dời các cơ sở chế biến lâm sản vào các khu, cụm công nghiệp, điểm quy hoạch. Tỉnh hỗ trợ 50% tiền tháo dỡ, bốc xếp, vận chuyển tài sản di dời cho các cơ sở phải di dời vào các khu, cụm công nghiệp, điểm quy hoạch. Tỉnh cũng hỗ trợ vốn đầu tư xây dựng cơ sở mới, hỗ trợ ứng dụng khoa học kỹ thuật, đào tạo nghề cho lao động, hỗ trợ tiền thuê đất trong 3 năm đầu di dời về các khu, cụm công nghiệp, điểm quy hoạch... Tuy nhiên, đến nay, tỉnh mới có 44/522 cơ sở chế biến gỗ gần rừng, trong rừng trên địa bàn bị thu hồi giấy phép hoặc đình chỉ hoạt động đã đăng ký di dời vào các khu, cụm công nghiệp, điểm quy hoạch.
Quang Huy