Ngày 29/3, nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong Un đã phê chuẩn kế hoạch tấn công của Lực lượng Tên lửa chiến lược (SRF) của nước này khi máy bay ném bom B-2 của Mỹ xuất hiện trên bầu trời của bán đảo Triều Tiên. Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) dẫn lời ông Kim Jong Un phát biểu sau một cuộc họp khẩn cấp với giới chức quân sự cấp cao cho rằng, đã đến lúc Bình Nhưỡng cân nhắc hành động với Oasinhtơn căn cứ trên tình hình thực tế.
Binh lính và người dân Triều Tiên tuần hành tại Bình Nhưỡng ngày 29/3/2013. Ảnh: Kyodo-TTXVN
|
Theo kế hoạch trên, SRF sẽ tấn công bằng hỏa lực vào lãnh thổ Mỹ, các căn cứ quân sự của Mỹ tại Hawaii và Guam, cũng như Hàn Quốc, nếu Mỹ "có hành động khiêu khích".
Trước đó cùng ngày, hãng thông tấn Hàn Quốc Yonhap đưa tin quân đội nước này đã phát hiện việc gia tăng các hoạt động liên quan đến phương tiện chuyên chở và binh sĩ tại các đơn vị tên lửa tầm trung và tầm xa của Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, hiện chưa thể kiểm chứng nguồn tin trên.
Động thái trên của Triều Tiên diễn ra chỉ một ngày sau khi Mỹ điều hai máy bay ném bom tàng hình có thể mang vũ khí hạt nhân B-2 tới Hàn Quốc. Nhà lãnh đạo Triều Tiên cho rằng hành động này của Mỹ "không phải là sự phô trương sức mạnh đơn thuần" mà "mục đích cuối cùng là tiến hành một cuộc chiến tranh hạt nhân bằng mọi giá trên bán đảo Triều Tiên".
Triều Tiên có kho tên lửa Scud từ thời Liên Xô cũ có thể bắn tới Hàn Quốc, song các tên lửa tầm xa của nước này chưa qua thử nghiệm. Những đánh giá mang tính độc lập về khả năng của các tên lửa này cho thấy về mặt lý thuyết, chúng có thể bắn tới các căn cứ Mỹ ở Nhật Bản và đảo Guam.
Trong một diễn biến khác, ngày 29/3, hàng chục nghìn binh lính và người dân Triều Tiên đã tuần hành tại thủ đô Bình Nhưỡng nhằm bày tỏ sự ủng hộ một cuộc tấn công quân sự chống Mỹ.
Nga, Trung Quốc quan ngại
Ngày 29/3, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov bày tỏ lo ngại rằng các hành động quân sự "đơn phương" trên bán đảo Triều Tiên đang làm gia tăng căng thẳng đến mức "vượt tầm kiểm soát".
Hãng thông tấn ITAR-TASS dẫn lời ông Lavrov nêu rõ: "Nga lo ngại rằng bên cạnh phản ứng đồng thuận và tương xứng của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ), các hành động đơn phương sẽ dẫn tới gia tăng hoạt động quân sự". Ông Lavrov nhấn mạnh: "Chúng ta có thể không kiểm soát được tình hình. Mọi chuyện sẽ rơi vào một vòng luẩn quẩn."
Trung Quốc cùng ngày kêu gọi "nỗ lực chung" nhằm giảm căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên. Tại một cuộc họp báo thường kỳ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi nhấn mạnh: "Hòa bình và ổn định trên bán đảo Triều Tiên cũng như toàn khu vực Đông Bắc Á đều phục vụ lợi ích chung, vì vậy các bên liên quan nên cùng nỗ lực để giảm căng thẳng".
Trung Quốc, nước ủy viên thường trực HĐBA, đã nhiều lần đưa ra lời kêu gọi tương tự kể từ khi Triều Tiên tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ ba hồi tháng 2 vừa qua, khiến HĐBA LHQ ra nghị quyết siết chặt trừng phạt Bình Nhưỡng.
Dương - Hạnh