Đón Xuân Tân Mão năm nay, 50 hộ dân nghèo ở làng Kon Trăng Long Loi thuộc thị trấn Đắk Hà và một số hộ ở các làng thuộc xã Đắk Mar của huyện Đắk Hà (Kon Tum) đã được nhận “quà” xuân sớm khi được huyện bố trí bình quân mỗi hộ gần 1 ha cà phê kinh doanh ở vùng đất mới xã Đắk Hring, cách nơi ở cũ khoảng 15 km. Mọi chuyện bắt đầu từ một làng Đắk Mút điển hình.
Làng tái định cư no ấm
Cách đây 4 năm, A Hun - một nông dân nghèo ở làng Kon Trăng Long Loi không dám nghĩ sẽ có những ngày xuân ấm nồng như bây giờ ở làng mới Đắk Mút (xã Đắk Mar). Sau khi thủy điện Pleikrông bắt đầu tích nước, dòng nước dần nuốt chửng những diện tích đất ven sông suối của anh và người dân trong làng. Sau bao lần được chính quyền vận động, hỗ trợ, A Hun cùng khoảng 100 người dân khác (ở 22 hộ dân) trong làng đã lũ lượt dời làng về nơi ở mới.
Vườn cà phê của nhà A Thuận. |
Làng mới Đắk Mút là một vùng đất rộng, ven lòng hồ. Tại đây A Hun cũng như bao nhà khác, mỗi người đều được cấp một gian nhà rộng gần 50 mét vuông, khá đàng hoàng, đẹp mắt. Sau lưng nhà là một mảnh vườn rộng gần 1 ha, trong đó có ½ diện tích đã được phủ xanh bởi những cây cà phê đang vào thu hoạch. “Với từng đó diện tích thì tôi chẳng lo cái ăn nữa, chỉ mong làm sao mình chăm lo tốt cho cây cà phê để nó phát triển tốt, đậu quả to, nhiều là được”, A Hun tâm sự.
Sau một mùa cà phê bập bẹ học cách chăm cây, tỉa cành, tưới, bón phân…, A Hun đã thu kết quả với số tiền gần 30 triệu đồng. Sau bốn mùa cà phê, A Hun đã tự tin về vốn kinh nghiệm, về kỹ thuật trồng cây cà phê, và từ đó anh mở rộng diện tích phủ kín cả 1 ha. Từ những đồng vốn tích góp của các niên vụ cà phê đó, A Hun đã bắt đầu bước sang lĩnh vực hoàn toàn mới mẻ là trồng cao su. “Mình mới trồng thôi nhưng được 4 ha rồi. Chỉ vài năm nữa sẽ cho thu hoạch”. “Với giá thu mua mủ như hôm nay thì vài năm nữa A Hun mỗi ngày thu vào tiền triệu”, A Then chen vào nói.
A Nguih, người đang sở hữu 2 xe Cota, (tựa như công nông nhưng giá cao gấp 3 lần), những ngày này cũng tất bật cho những chuyến xe ngược xuôi quanh khắp các ngõ ngách trong làng và vườn cây. Tranh thủ những ngày này, người nông dân sở hữu nhiều xe Cota nhất làng phải vận chuyển nông sản giúp người dân trong làng để tiêu thụ khi giá cà phê đang ở mức cao (7.000 đồng/kg).
Sau một năm ở làng mới, A Nguih đã tái đầu tư thâm canh để tăng năng suất cho cây và đến mùa này còn sắm thêm 1 chiếc xe Cota (giá gần 100 triệu đồng) để thuận tiện cho sản xuất cũng như làm thêm dịch vụ. “Nhờ về làng mới mà tôi và mọi người mới có được cuộc sống như hôm nay. Cách đây 4 năm có nằm mơ tôi cũng chẳng dám nghĩ có ngày mình bỏ gần 200 triệu đồng để mua xe để phục vụ sản xuất. Giờ ở Đắk Mút chẳng ai lo đói rét. Chỉ lo là không làm tốt để giàu bằng mọi người thôi”, A Nguih tâm sự.
Sau 4 năm ở ngôi làng mới, những người con ở làng Kon Trăng Long Loi nghèo khó ngày nào, với hơn 50% số hộ thuộc diện đói nghèo đã dần thay da đổi thịt ở làng định cư mới. “Bình quân mỗi khẩu thu nhập khoảng 20 triệu đồng/năm. Đã có 7 hộ thuộc diện giàu có, còn lại là khá giả. 23 hộ ban đầu giờ chỉ còn 2 hộ nghèo vì neo đơn.
Đắk Mút giờ đang dần trở thành mô hình khu dân cư sản xuất giỏi của xã không chỉ với người đồng bào dân tộc thiểu số mà cả với người kinh”, anh Nguyễn Chí Ánh - Chủ tịch UBND xã Đắk Mar nói. Theo anh Ánh thì sau 4 năm định cư nơi ở mới, bằng nghị lực vươn lên vượt khó kết hợp với những điều kiện tốt (nguồn nước, điện tưới dẫn tới từng chân rẫy cùng sự hỗ trợ kỹ thuật từ huyện đến xã) thì Đắk Mút đã thoát nghèo. Với những gì mà chính quyền quan tâm, hỗ trợ cho dân làng thì chỉ sau khoảng 3-4 mùa cà phê nữa Đắk Mút sẽ là làng triệu phú.
Những ngày cuối năm này khi mọi người đang hối hả chuẩn bị cho mình những món ăn ngon, vật lạ đón xuân thì dân làng Đắk Mút vẫn đang trên rẫy, tỉa nốt những cành cà phê để chuẩn bị bước vào vụ tưới. Ở làng giờ chỉ còn người già và con trẻ. Thanh niên trai tráng, người có sức lao động đều lên rẫy từ sáng sớm đến tối. Với họ xuân này không gì phải lo vì “giờ dịch vụ tới tận làng. Nếu không thì cuối tuần rảnh rỗi cả nhà lên huyện mua sắm luôn, không lo muộn”, A Then khẳng định.
Tương lai của làng mới
Sau thành công của Đắk Mút, những ngày cuối năm này lại có thêm 50 hộ dân - là những hộ thuộc diện bị thu hồi đất sản xuất để phục vụ cho thủy điện Pleikrông; những gia đình mới tách hộ, thiếu đất sản xuất trong huyện lại tiếp tục dời làng đến nơi sản xuất mới. Theo đó bình quân mỗi hộ được cấp 0,7 ha cà phê đang kinh doanh. Mặc dù khoảng cách từ nơi ở đến đất sản xuất khá xa nhưng không một ai trong làng lại đắn đo, suy nghĩ khi quyết định đến nơi này.
Để giúp dân ổn định ngay sản xuất, huyện Đắk Hà đã phải thu hồi, đền bù đất, hoa màu hàng chục ha cà phê đang kinh doanh ở Đắk Hring để có quỹ đất, cây trồng cấp lại cho dân. Theo đó mỗi ha cà phê huyện đã phải bồi thường hoa màu, đất đai, nhà cửa, bình quân mỗi ha hơn 500 triệu đồng để cấp lại cho dân. “Cái hay của dự án là khi chúng tôi nhận đất đã có ngay gần 1 ha cà phê đang kinh doanh mà không phải đầu tư từ ban đầu.
Với diện tích như thế này chắc chắn sẽ chẳng ai đói nghèo ở nơi ở mới trong năm tới. Về lâu dài sẽ đảm bảo sự ổn định thu nhập ở mức cao cho mỗi hộ dân. Nhưng nói gì thì nói Nhà nước đã lo như vậy, chúng tôi phải biết học hỏi, phấn đấu để khai thác tốt những cái đã có sẵn ở nơi này để làm giàu cho mình”, A Luy - tổ trưởng tổ 1, vừa nhận lô cà phê vào ngày 28/12 tâm sự với chúng tôi.
Sau khi vụ cà phê kết thúc, chính quyền đã thu hồi và cấp ngay cho dân để mọi người kịp bảo vệ và chăm sóc cây sau mùa thu hoạch. Khi chúng tôi đến thì cũng là lúc vợ chồng A Thuận đã dọn hẳn cả gia đình lên rẫy ở để chăm sóc cây cà phê.
Sau khi nhận lô, anh và vợ bắt tay ngay vào việc tỉa cành cũng như chuẩn bị phương án cho vụ tưới trước Tết này. “Trước khi lên đây, tôi cũng biết cách trồng cà phê nhưng không giỏi, cũng may huyện bố trí cho học thêm một lớp kỹ thuật về cây cà phê để khi nhận lô không còn bỡ ngỡ. Rẫy mới tuy khó khăn vì xa nhà, mọi người ở tập trung tại 1 nhà rẫy nên cũng vui. Chẳng riêng tôi mà các gia đình khác cũng ở lại rẫy để thuận tiện cho việc chăm sóc cây. Nhà, bếp, giếng, điện có cả nên cũng không lo nhiều”, A Thuận cho biết.
Tuy nhiên những khó khăn ban đầu ấy đã được anh Đinh Văn Hùng - Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đắk Hà cho lời giải với A Thuận. Đó là thời gian tới huyện sẽ bố trí cho mọi người định cư tại đây để gắn đất ở với đất sản xuất. Ở đây có đủ cơ sở hạ tầng từ điện, đường, trường, trạm… Hiện đường dẫn vào làng mới đang được thi công, thảm nhựa.
Để hỗ trợ thêm cho dân trong việc chăm sóc cây cà phê ở nơi mới, ngoài việc tổ chức cho những hộ dân học thêm các kỹ năng trồng, chăm sóc cây cà phê, huyện Đắk Hà còn đứng ra tín chấp giúp dân để vay tiền mua máy bơm để phục vụ tưới.
Theo đó bình quân mỗi ha được vay 10 triệu đồng để mua máy bơm, ống tưới và phân bón, bình quân 5 ha sẽ có 1 máy bơm. Nhóm của A Luy hôm nay cũng đã chở về 2 máy bơm hiệu Jiang Đông, cùng đầu bơm, ống… với tổng số tiền mỗi máy là 24,1 triệu đồng. Anh và mọi người trực tiếp đến các cửa hàng điện máy trong huyện để thử và mua máy. Riêng ống thì A Luy cùng các nhóm khác có thể luân chuyển mượn nhau trong quá trình làm để tránh lãng phí.
Theo anh Nguyễn Thành Trung, Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk Hà, đến năm 2015, khu vực tái định cư này sẽ có 300 hộ dân với 690 ha, trong đó đất sản xuất là 580 ha, còn lại là đất ở, đảm bảo đất sản xuất, đất ở cho việc giãn dân, tách hộ, trước mắt ưu tiên cho các hộ bị mất đất hoàn toàn và số hộ không đủ đất sản xuất. Tại đây huyện còn đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật nhằm đảm bảo cho người dân an tâm định canh, định cư.
Có thể thấy những việc làm nhanh, kịp thời và có tính bền vững mà Chính phủ, tỉnh Kon Tum cùng Đảng bộ, chính quyền huyện Đắk Hà đã làm cho dân nghèo nơi này thì tin rằng trong những mùa xuân tiếp theo các hộ dân ở làng mới sẽ được đón xuân trong ấm nồng và hạnh phúc. Một tương lai mới, tươi đẹp đang đón chờ những người dân ở nơi làng mới chưa kịp đặt tên này.
Cao Nguyên