Tết Trung thu về trên bản Tày

Về Nghĩa Đô, một xã xa trung tâm huyện Bảo Yên (Lào Cai), cuộc sống của người dân bản Tày còn gặp nhiều khó khăn nhưng không khí Tết Trung thu đã về trên từng ngõ nhỏ.


Tháng tám về trong cái hanh hao, dịu mát của mùa thu, hương ổi nồng nàn phả vào trong làn gió se nhè nhẹ và màn sương mỏng manh trên những cánh đồng lúa đang phơi màu ấy là khi Nghĩa Đô bước vào dịp Tết Trung thu đầy ấm áp và nghĩa tình.


Ấm áp không khí Trung thu


Không quá tấp nập, ồn ào như ở thành phố lớn và khu trung tâm, không khí Trung thu ở Nghĩa Đô được hiện diện qua những tín hiệu nhỏ nhưng ấm áp và mang không khí của Tết thiếu nhi. Những ngày này, cửa hàng thương nghiệp và các gian hàng của người dân khu trung tâm Nghĩa Đô đã rực rỡ sắc màu. Đó là điểm mới so với những năm trước đây. Nhớ cách đây 5 năm, Tết Trung thu về, Nghĩa Đô không có những gian hàng bày bán đồ chơi và bánh Trung thu. Nhưng giờ, cuộc sống của đồng bào đã bớt khó khăn, mức sống được nâng lên đáng kể, do vậy, đồ chơi, bánh Trung thu phục vụ cho Tết thiếu nhi đã vượt đường xa về phục vụ cho trẻ em ở các bản nhỏ. Trẻ em ở các bản Tày Nghĩa Đô thường thích chơi đèn ông sao nên các cửa hàng bày bán nhiều đèn năm cánh rực rỡ sắc màu.

Trẻ em vùng cao được dự đêm Trung thu trong niềm vui và sự náo nức.


Chợ phiên Nghĩa Đô những ngày này thêm những màu sắc mới mang đậm chất bản Tày. Người lớn tấp nập đi chợ sắm cho con trẻ những chiếc bánh nướng, bánh dẻo nhỏ làm quà trong dịp rằm, trẻ em đi theo người lớn cầm trên tay chiếc đèn ông sao nhiều màu, lấp lánh. Bà Hoàng Thị Thu ở bản Hón (Nghĩa Đô) cho biết: “Nhà tôi có cháu nhỏ trong tuổi thiếu nhi nên năm nào cũng mua cho cháu bánh và đèn ông sao để cháu đi dự cùng nhà trường vào tối Trung thu”. Phiên chợ ngoài rau cải nương còn xuất hiện những thứ hoa trái chỉ có dịp Trung thu về mới có. Đó là những quả hồng đỏ chót hay xanh vỏ được đựng trong những chiếc gùi tre nhỏ, những quả bưởi thơm lựng, căng mọng rồi cả các loại bánh do đồng bào làm bằng bột nếp, bỏng gạo, những gói cốm xanh tươi còn thơm mùi sữa của lúa mới… Tất cả làm dậy lên không khí Trung thu ấm áp và vui tươi.


Quan tâm đến đời sống tinh thần của trẻ em tại các thôn bản, Đoàn Thanh niên xã Nghĩa Đô đã lên kế hoạch chỉ đạo chi đoàn các thôn bản tổ chức Tết Trung thu ngay tại nhà văn hóa của bản để cho các cháu đến vui Tết. Anh Hoàng Văn Bạo - Trưởng bản Đáp cho biết: Vì bản Đáp ở xa trung tâm nên năm nào bản cũng tổ chức Tết Trung thu cho các cháu ngay tại bản một cách vui tươi và ý nghĩa.


Thầy cô chăm lo Tết Trung thu cho học trò


Đã thành thông lệ hằng năm, mặc dù bận bịu cho công việc chuyên môn đầu năm nhưng các nhà trường ở Nghĩa Đô từ bậc mầm non đến bậc THPT đều không quên việc tổ chức Tết Trung thu cho học sinh trong độ tuổi.


Đồng chí Quan Văn Thưởng - Bí thư Đoàn trường THPT số 3 Bảo Yên cho biết: Nhiều năm nay, Đoàn trường luôn kết hợp với các Liên đội nhà trường trên địa bàn xã để tổ chức Tết Trung thu. Đoàn trường đã tổ chức tặng quà cho học sinh các trường Tiểu học, THCS Nghĩa Đô để động viên và chung vui cùng các em trong dịp Tết Trung thu.


Trước ngày diễn ra đêm rằm Trung thu, các thầy cô giáo của các nhà trường đi vận động, quyên góp các tổ chức đoàn thể trong và ngoài xã để có được nguồn kinh phí hỗ trợ việc tổ chức Trung thu cho các cháu. Thầy giáo Hán Văn Học - Hiệu trưởng trường THCS Nghĩa Đô cho biết: “Năm nào nhà trường cũng tổ chức Tết Trung thu cho học sinh. Các cháu rất vui và náo nức”.


Háo hức nhất là các cháu thiếu nhi. Tâm hồn thơ bé, hồn nhiên của các cháu đang chờ đợi một niềm vui sẽ đến vào đêm rằm. Cháu nào cũng mong trời không mưa, đường sạch, gió mát để thỏa sức vui chơi cùng bè bạn. Không có điều kiện như trẻ em ở thành phố, thiếu nhi Nghĩa Đô thường hay tự tạo cho mình niềm vui bằng tất cả những gì có được và tự làm được. Các cháu cũng chuẩn bị cho mình một bộ quần áo thật mới để mặc vào đêm rằm, chăm chút cho mình những trái bưởi, trái hồng thật ngon để đi góp vui cùng bạn bè.


Ngày rằm đến, không khí Trung thu đã len lỏi khắp các bản làng Tày. Từ khắp các lối từ các bản, thiếu nhi Tày nô nức từng nhóm, từng đoàn đi đến sân trường để dự Tết Trung thu do nhà trường tổ chức. Trường mầm non do đối tượng các cháu còn bé nên thường tổ chức vào buổi chiều ngày 15. Còn trường Tiểu học và THCS thường tổ chức vào buổi tối. Điều rất đặc biệt với mỗi ai khi được dự và chứng kiến hoạt động Tết Trung thu ở Nghĩa Đô là sự hy sinh ấm áp. Điều ấn tượng không phải là Tết được tổ chức to và rầm rộ mà là ở sự bình dị mà ấm áp của con trẻ tại các bản Tày. Ở Nghĩa Đô khi đi dự hội, trẻ em thường cầm trên tay đèn ông sao và ngọn đuốc.

Nhưng đèn ông sao không phải mua ngoài chợ mà những nhà không có điều kiện, các em đã tự tay mình làm đèn bằng tre nứa, cắm bên trong là một ngọn nến nhỏ. Rồi các em sử dụng ống bơ, lon bia để làm đuốc cầm đi liên hoan. Đèn ông sao được các cháu tự chẻ tre, vót thành những thanh nan mỏng và xếp lại thành hình rồi lấy ni lông bọc xung quanh, mua thêm ngọn nến nhỏ cắm vào giữa đèn lồng để thắp sáng vào lúc tối cho đẹp. Có cháu làm đèn từ ống dầu nhỏ làm bằng ống nứa và vỏ lon bia, cuốn thêm miếng giẻ làm bấc. Có lẽ các em thiếu những đồ chơi hiện đại nhưng đổi lại, các em được vui Trung thu trong sự quan tâm và tình yêu thương của cha mẹ, thầy cô cùng các lực lượng xã hội.


Vào đêm chính hội, những ngả đường vào bản của Nghĩa Đô rực rỡ sắc màu. Ánh sáng từ những ngọn đuốc nhỏ, những chiếc đèn ông sao đơn sơ mà rực sáng đã làm cho không gian trở nên sôi động và lung linh. Từng trường sau khi tập trung đội hình đã tổ chức cho học sinh đi rước đèn. Mâm ngũ quả cùng ảnh Bác Hồ được rước đi đầu tiên cùng cờ Đội và đội trống hành tiến dẫn đầu, theo sau là đoàn thiếu nhi của các lớp đi khắp các ngả đường trong bản để rước đèn ông sao. Tiếng trống vang lừng khắp bản xen lẫn tiếng nói, tiếng cười thơ ngây trong trẻo làm cho ai ai cũng như được sống lại một thời tuổi thơ hồn nhiên êm đềm. Sau khi rước đèn xong, cháu các tập trung theo lớp tại sân trường để buổi phá cỗ được bắt đầu.

Bao giờ cũng vậy, trước khi phá cỗ là các tiết mục văn nghệ dành cho thiếu nhi được các em tự biểu diễn rồi thầy tổng phụ trách kể về sự tích chú Cuội, chị Hằng và đêm hội Trung thu. Hồi hộp nhất và náo nức nhất là lúc phá cỗ. Các cháu được tập trung theo lớp, ngồi trên những chiếc chiếu, mành cọ rồi xếp đồ chơi và hoa quả bánh kẹo vào giữa rồi cùng hát vang những ca khúc của tuổi thơ, cùng liên hoan dưới ánh trăng đêm rằm. Những quả hồng căng mọng, những trái bưởi tròn, những chiếc kẹo thơm ngon hấp dẫn trẻ biết chừng nào. Thầy cô cùng cha mẹ đi từng lớp để chúc mừng và chung vui cùng các cháu. Cháu nào cũng vui, cũng hồn nhiên và đáng yêu.


Thầy Nguyễn Xuân Việt - Hiệu trưởng trường Tiểu học Nghĩa Đô cho biết: “Học sinh ở đây thiếu thốn nhiều thứ, cả vật chất lẫn tinh thần. Do vậy, Tết Trung thu được các thầy cô tổ chức chu đáo đã tạo ra niềm vui cho các cháu”. Qua thầy Việt, chúng tôi còn được biết, tổ chức Tết Trung thu còn là một trong những nội dung xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực, giúp các em yêu trường, yêu lớp hơn.


Năm nào cũng vậy, dù thiếu thốn, khó khăn các cháu thiếu nhi ở Nghĩa Đô vẫn được sống trong không khí ấm áp của Tết Trung thu. Sự quan tâm của cha mẹ, thầy cô và các tổ chức đã đưa các cháu vào một thế giới của tuổi thơ hồn nhiên và êm đềm, mang đến cho các cháu niềm vui thánh thiện và hồn nhiên. Dù chưa được đầy đủ như trẻ em thành phố nhưng với sự quan tâm ấy, niềm vui ấy và không khí ấy, chắc chắn, đêm rằm Trung thu mãi sẽ là một kí ức đẹp nhất của thiếu nhi bản Tày nơi đây.

Bài và ảnh:Nguyễn Thế Lượng

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN