Thả cá xuống suối - chuyện “lạ” ở xã vùng cao

Thả cá xuống suối để bảo vệ môi trường tự nhiên, chống lại nạn khai thác thủy sản tận diệt bằng xung điện, góp phần nâng cao ý thức của người dân trong việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và gìn giữ cho màu xanh quê hương. Đó là câu chuyện có thật tại một địa phương miền núi, vùng sâu, vùng xa của huyện Chiêm Hóa (Tuyên Quang).

 

Chuyện thả cá xuống sông


Chúng tôi tìm đến nhà ông Hoàng Phúc Việt, ở thôn Cuôn, xã Hà Lang (Chiêm Hóa) - một trong những người khởi xướng ý tưởng thả cá xuống suối để bảo vệ môi trường. Căn nhà ông Việt nằm ẩn mình trong đồi cọ.

 

Người dân Hà Lang thả cá để bảo vệ môi trường.

Rót chén nước trà mời khách, lão nông 70 tuổi, nhớ lại: Con suối Ba bắt nguồn từ Hà Giang, đi qua 5 xã của huyện Chiêm Hóa (Trung Hà, Hà Lang, Tân Mỹ, Hùng Mỹ, Xuân Quang) sau đó hòa vào sông Gâm, là mạch nguồn để nuôi dưỡng cả dân bản, nước sinh hoạt, nước tưới tiêu cho đồng ruộng. Nhưng mấy năm trở lại đây, do nhiều người thiếu ý thức dùng kích điện để đánh bắt cá, đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường nơi đây. Cách đánh bắt này khiến cho cá to, cá nhỏ hay tôm tép đều không thể sống nổi. Nhiều loài cá bây giờ đã không còn xuất hiện ở con suối này nữa, những con cá chiên, cá chầy nặng gần chục kilôgam trước đây vướng phải lưới ông là chuyện không hiếm, nhưng đến nay tuyệt nhiên không còn. Dòng Ba bây giờ cạn lắm, có nhiều đoạn trước đây muốn sang được bờ bên kia phải bơi, thì nay có thể lội qua dễ dàng.


Nhìn con suối đang ngày một khô cạn, các loài cá đang dần bị tận diệt, một dòng suối “chết” đang dần hiện hữu, đã thôi thúc ông quyết tâm tìm ra biện pháp để ngăn chặn. Sau nhiều hôm thức trắng, ông đã quyết định “thả cá xuống suối”, bởi theo ông: Đây là biện pháp hiệu quả để cải tạo dòng sông, tạo ra môi trường nước trong lành, giữ gìn màu xanh cho quê hương. Mặt khác, đây cũng là hành động cảnh tỉnh những hành vi dùng xung điện đánh bắt cá, góp phần nâng cao ý thức của người dân trong việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, không vứt rác bừa bãi xuống lòng suối.


Cùng với ông Hoàng Phúc Việt, ông Hoàng Thế Viện (71 tuổi), nguyên Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Tuyên Quang cũng đã tham gia hoạt động này. Ông Viện tâm sự: Trở về quê nhà để an dưỡng tuổi già, vui vầy bên con cháu nhưng nhìn dòng suối quê hương đang “chết” dần ông đã quyết tâm làm sống lại dòng Ba. Đã từng trải qua nhiều cương vị công tác, hơn ai hết, ông thấu hiểu vai trò quan trọng của công tác đoàn kết toàn dân, muốn thành công đều phải xuất phát từ sự đoàn kết của bà con nhân dân. Một chủ trương đúng, hợp lòng dân ắt sẽ được bà con nhiệt tình ủng hộ. Nói là làm, ông vận động con cháu, anh em trong dòng họ cùng đóng góp các giống cá được nuôi ở ao nhà, đồng thời góp thêm tiền để mua các giống ở các trại cá giống về để đem thả.

 

Dòng Ba lại hồi sinh


Trong những ngày đầu năm 2013, nhiều người dân Hà Lang chứng kiến hai lão nông cùng các con cháu đem 40 kg cá giống thả xuống dòng suối Ba. Ai cũng bảo đó là hành động “ngược đời”, chỉ là “muối bỏ biển”, bởi từ bao đời nay, người dân Hà Lang sống dọc hai bờ suối Ba chỉ biết đánh bắt cá ở suối chứ chưa từng có chuyện thả cá xuống suối. Nhưng rồi chính hành động “ngược đời” đó lại đánh thức đông đảo người dân trong vùng bởi cái mục đích và ý nghĩa sâu xa của nó là làm hồi sinh dòng Ba. Người dân Hà Lang hơn ai hết cảm nhận được điều đó. Thông qua việc thả cá, sẽ giúp người dân ý thức hơn trong việc giữ gìn môi trường nước, đồng thời, góp phần ngăn chặn tình trạng đánh bắt cá bằng xung điện trái phép.


Ông Lưu Hữu Lợi, Chủ tịch UBND xã Hà Lang phấn khởi cho biết: Với ý tưởng thả cá xuống dòng suối để bảo vệ môi trường và căn cứ đề nghị của một số bà con nhân dân, UBND xã Hà Lang đã quyết định thành lập “Câu lạc bộ Bảo vệ môi trường gắn với phát triển thủy sản”. Ngay trong ngày ra mắt, Câu lạc bộ đã được Chi cục Thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tuyên Quang) hỗ trợ 40 kg cá giống để thả xuống dòng suối. Hiện nay, câu lạc bộ đã có 36 thành viên là những hộ dân sống dọc 2 bên dòng suối Ba và những người có tâm huyết phát triển nuôi trồng thủy sản ở địa phương. Câu lạc bộ đề ra mục tiêu mỗi năm thả ít nhất 100 kg cá giống xuống suối. Việc thành lập câu lạc bộ đã góp phần nâng cao nhận thức của người dân trong việc tham gia bảo vệ môi trường và nguồn tài nguyên nước, góp phần làm đẹp cảnh quan môi trường. Bây giờ, trên các dòng suối trong xã không còn sử dụng kích điện khai thác tôm cá nữa, người dân cũng không còn sử dụng thuốc trừ sâu và vứt rác thải bừa bãi nữa rồi.Bài và ảnh:

 

Nguyễn Văn Tý

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN