Ngày 5/3, ông Jate Thonavanik, Chủ tịch Ủy ban soạn thảo hiến pháp (CDC) của Thái Lan do quân đội chỉ định, cho biết ủy ban đã đề xuất cấm hoạt động chính trị trong 2 năm đối với các thành viên chính quyền quân sự để ngăn chặn tình trạng "thao túng quyền lực".
Binh sĩ Thái Lan đảm bảo an ninh tại Bangkok trong cuộc đảo chính ở Thái Lan năm 2014. Ảnh: AFP - TTXVN |
Theo đề xuất của CDC, các thành viên trong chính quyền quân sự - tên gọi chính thức là Hội đồng Hòa bình và Trật tự Quốc gia (NCPO), lên cầm quyền sau cuộc đảo chính quân sự tại Thái Lan hồi năm ngoái - sẽ không được tham gia chính trường trong 2 năm sau khi hiến pháp mới được thông qua. Ông Jate cho biết CDC đưa ra đề xuất này vì lo ngại tình trạng thao túng quyền lực và xung đột lợi ích.
Sau khi lên nắm quyền tháng 5/2014, cựu Tư lệnh lục quân Thái Lan và hiện giữ chức Thủ tướng, ông Prayut Chan-O-Cha đã thành lập một loạt ủy ban có nhiệm vụ cải cách đất nước sau nhiều năm bất ổn chính trị và thường xuyên xảy ra biểu tình trên đường phố. Trong số đó, CDC gồm 36 thành viên có nhiệm vụ soạn thảo hiến pháp mới của Thái Lan và ủy ban này đã bắt đầu thực hiện nhiệm vụ từ tháng 11/2014.
Theo quy định, CDC sẽ phải hoàn tất đề xuất dự thảo hiến pháp mới trong vòng 4 tháng trước khi trình lên Hội đồng Cải cách Quốc gia (NRC) và chính quyền quân sự phê duyệt. Ngoài ra, các thành viên CDC sẽ tạm thời không được hoạt động chính trị sau khi hoàn thành nhiệm vụ.
Thủ tướng Prayut đã lên tiếng phản đối đề xuất trên của CDC. Phát biểu với các phóng viên, ông Prayut nêu rõ hiến pháp tạm thời (được áp dụng sau cuộc đảo chính quân sự) chỉ cấm các thành viên CDC hoạt động chính trị.
Một số thành viên của NRC và Hội đồng Lập pháp Quốc gia - NLA (Quốc hội lâm thời do chính quyền quân sự chỉ định) cũng đã phản đối đề xuất của CDC, nhấn mạnh rằng cần có lý do hợp lý cho lệnh cấm.
TTXVN/Tin tức