Thái Lan sẽ đề xuất hoãn bầu cử 6 tháng

Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, ngày 27/1, Ủy ban bầu cử (EC) của Thái Lan cho biết tại cuộc họp với Thủ tướng tạm quyền Yingluck Shinawatra ngày mai, EC sẽ đề xuất hoãn 6 tháng cuộc bầu cử dự kiến diễn ra vào ngày 2/2 tới.

Người biểu tình chống chính phủ ở thủ đô Bangkok. Ảnh AFP/TTXVN


Theo Chủ tịch EC Somchai Srisuthiyakorn, sáu tháng là thời gian đủ dài để một chính phủ tạm quyền giải quyết tình hình. Ông cũng cho rằng cuộc bầu cử cần được bắt đầu lại từ đầu, và các kết quả trong cuộc bỏ phiếu sớm ngày 26/1 sẽ bị hủy.

Theo kế hoạch, EC và Thủ tướng Yingluck sẽ gặp nhau vào lúc 14h00 ngày 28/1, tại một địa điểm chưa ấn định. Trước đó, EC đã nhiều lần đề nghị nội các của bà Yingluck lên kế hoạch bầu cử mới để tránh tình trạng hỗn loạn và bạo lực tại các điểm bỏ phiếu, nhất là ở thủ đô Bangkok và các tỉnh miền Nam. Tuy nhiên, Chính phủ Thái Lan cho rằng họ không có thẩm quyền lùi ngày bỏ phiếu.

Cùng ngày, đảng Puea Thai (Vì nước Thái) cầm quyền đã kêu gọi tiếp tục tiến hành tổng tuyển cử đúng như kế hoạch. Chủ tịch Puea Thai Jarupong Ruangsuwan phản đối việc hoãn cuộc bầu cử này, đồng thời tố cáo EC không làm hết trách nhiệm để đảm bảo bầu cử diễn ra tốt đẹp. Ông cũng cáo buộc "EC đang hợp tác với người biểu tình".

Hiện chưa rõ cáo buộc của ông Jarupong có phản ánh quan điểm của chính phủ tạm quyền hay không. Tuy nhiên trước đó, chính phủ cho biết sẵn sàng lắng nghe các ý kiến của EC trong cuộc họp tới.

Trong một phản ứng của mình, Chủ tịch đảng Dân chủ (DP) Abhisit Vejjajiva cho biết DP sẽ tham gia cuộc bầu cử mới. Hiện đảng này đang tẩy chay cuộc bầu cử ngày 2/2. Ông Abhisit kêu gọi các bên đàm phán để vạch ra một lộ trình cải cách và lập một khung thời gian hợp lý cho bầu cử.

Trong một diễn biến khác, Giám đốc Trung tâm gìn giữ hòa bình và trật tự (CMPO), Bộ trưởng Lao động tạm quyền Chalerm Yoobamrung cảnh báo trong vòng ba ngày kể từ 27/1, người biểu tình nên giải tán khỏi các cơ quan chính phủ mà họ đang bao vây trước khi lệnh bắt giữ họ có hiệu lực. Ông cho biết sẽ phái các đội cảnh sát đặc nhiệm tới bao vây các điểm biểu tình trước cửa cơ quan công quyền để thiết lập lại trật tự. Trong khi đó, Tư lệnh Lục quân Prayuth Chan-ocha đã cam kết phối hợp chặt chẽ với CMPO thắt chặt an ninh sau khi một thủ lĩnh biểu tình thiệt mạng hôm 26/1.


Cùng ngày 27/1, thủ lĩnh biểu tình Suthep Thaugsuban tuyên bố không thương lượng với chính phủ tạm quyền về việc ngừng phong tỏa các Bộ và cơ quan nhà nước. Hiện, người biểu tình đã phong tỏa trụ sở 7 Bộ lớn tại thủ đô, và buộc nhiều Bộ và các cơ quan khác như Ngân hàng trung ương phải đóng cửa. Ông Suthep thậm chí dọa sẽ lại "chiếm đóng mọi ngả đường" tới các điểm bỏ phiếu trong ngày 2/2 tới.

Kể từ khi bùng phát làn sóng biểu tình chống chính phủ hôm 30/10/2013 đến nay, các vụ đụng độ đã làm ít nhất 10 người thiệt mạng và 571 người bị thương.


TTXVN/Tin tức
 Thủ lĩnh biểu tình Thái Lan tuyên bố không thương lượng
Thủ lĩnh biểu tình Thái Lan tuyên bố không thương lượng

Ngày 27/1, thủ lĩnh biểu tình Thái Lan Suthep Thaugsuban tuyên bố những người biểu tình tìm cách lật đổ chính phủ của Thủ tướng Yingluck Shinawatra sẽ không thương lượng về việc ngừng chặn lối vào các bộ và cơ quan nhà nước mà họ phong tỏa.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN