Người Thái trắng ở xã Mường So thuộc huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu quan niệm Thần bếp được ông trời phái xuống trần gian vào các ngôi nhà người Thái, quanh năm lắng nghe xem xét các thành viên trong mỗi gia đình đã làm những việc gì tốt, xấu trong lối sống của con người. Bởi vậy xưa nay người Thái xem thần bếp còn to và có quyền riêng hơn tổ tiên của mình.
Trong mỗi ngôi nhà ở của người Thái, dù nhà đất hay nhà sàn, to hay nhỏ cũng đều có 2 bếp: Bếp cái và bếp con. Là nhà sàn thì cả hai bếp đều đóng khung gỗ đặt trên sạp sàn. Khi làm bếp mới đổ đầy đất vào khung bếp tưới nước rồi nện thật chặt.
Bếp cái của người Thái thường làm ở trái nhà sàn để tiện cho sinh hoạt nấu nướng. |
Bếp con đóng hình vuông chỉ đủ bắc một nồi đun nấu đặt ngay gần sát chân buồng ngủ thế hệ ông bà. Bếp con không sử dụng thường xuyên. Mùa đông đốt lửa lên cho người già và trẻ em sưởi, đun nước chè lá, thỉnh thoảng nướng xôi nếp ăn chơi. Khi đun nước chỉ treo xoong siên lên, chứ không được dựng đá kiềng (cỏn xẩu). Bếp con được đun nấu khi nhà có giỗ (cúng hoóng) lúc này được dựng đá kiềng lên để đun nước làm thịt lợn, gà và luộc lễ vật đó, hết buổi, khi ăn uống xong nhấc đá kiềng ra.
Bếp cái có thần (Phi ti phay lôông) đóng khung hình chữ nhật có diện tích gấp ba lần bếp con đặt tại góc gian chính kể từ chái đàn bà vào. Sau khi đổ đất xong người ta đặt một đá kiềng dài 50 cm vào giữa bếp gọi là đá kiềng cái, tiếp theo là đặt vào mỗi đầu đá kiềng cái hai đá kiềng con, như vậy chỉ dựng năm đá mà đủ đun hai chỗ đồ nấu.
Trong lễ ăn cốm mới, người dân dựng bếp phụ ngoài đồng để hành lễ. |
Đầu bếp cái đằng chái, cho đàn bà vào, chỗ nấu này hàng bữa đun nấu từ 2 - 3 hoặc 4 lần khi thức ăn chín nhấc nồi ra rồi bắc lên nấu tiếp cứ thế không kiêng kị gì. Bên trên bếp này còn treo giàn sấy.
Tiếp theo đầu đá kiềng cái vào trong nhà là bắc chảo gang chuyên đồ xôi, cá, măng… Khi chín chỉ được nhấc chõ ra, tuyệt đối không được nhấc chảo ra, nếu nước trong chảo đã hơi vơi thì chỉ việc thêm nước vào, nếu không thêm nước vào kịp thời thì thần sẽ bị khát. Có những điều kiêng kị đối với bếp cái, ví như không được nhổ nước bọt, khạc đờm nhổ bậy vào bếp, khi nấu ăn cũng như ngồi sưởi, không gác chân lên thành bếp, không dùng cây que đập vào đá kiềng, không được bước qua bếp.
Hàng năm thường cúng bếp cái hai lần vào thời điểm thu hoạch xong và Tết Nguyên đán. Nhưng có gia đình trong một năm phải cúng bốn lần. Tuy cảnh này không diễn ra đều khắp các hộ gia đình nhưng nó diễn ra vào dịp: Vừa cúng Tết xong tháng 3, gia đình đó mới có trẻ sơ sinh, sau khi đầy tháng cúng bàn thờ, cúng bếp tháng 9 dựng nhà mới, rồi đến 11 gia đình lại có người chết. Tất cả những việc diễn ra trong năm đều cúng bàn thờ, cúng bếp.
Tất cả các lễ cúng bếp kể trên đều dùng gà luộc chín và xôi rượu, riêng cúng bếp vào ngày Tết thì chỉ dùng một miếng thịt lợn luộc to bằng bàn tay và bánh trưng, bánh bỏng…
Hàng năm cứ đến tối 25 tháng Chạp, nhà nhà làm bánh trôi sắp lễ cúng thần bếp để thần lên trời trình Then, thông qua dịp này con cháu trong nhà nhờ thần báo việc tốt, việc xấu thì bỏ qua, sang năm con cháu sẽ làm tốt hơn.
Lời khấn thần bếp:
Ờ…Pú tí phạy, dá hay khẩu
Pú cỏn xẩu, dà cỏn xanh
Pú mỏ nửng, dá mỏ khang
Pú túm trá, dá trung trăng
Pi cấu may mự ngọa, pi măứ mạ mự nị
Ăn hại, thỉm pay cay, xay pay ứn
Xao xí chẩu mợ chậu phạ
Xạo hả chẩu mợ chậu then
Lú đăư đi cói vá, vả đăư hại vạng xê
Pá khẩu vậu âu lụ lan nờ…
Dịch nghĩa:
Thưa!
Ông bếp lửa, bà chõ xôi
Ông đá kiềng, bàn hòn ngọc
Ông nồi nấu, bà nồi ninh
Ông giàn sấy, bà giàn hơ
Năm cũ đã qua, năm mới đã đến
Điều xấu nhờ thần bỏ qua
Hai mươi bốn thần lên chầu trời
Hai mươi lăm thần lên chầu Then
Việc tốt của con cháu thần hãy trình báo
Mong rằng ông trời bỏ qua việc xấu
Sang năm con cháu sẽ làm tốt hơn.
Hiện nay từ thị trấn đến nông thôn do người đông, phát sinh ra nhiều hộ gia đình, đất lại hạn hẹp, nên nhiều nhà không làm bếp con mà chỉ duy trì bếp cái và vẫn giữ gìn việc cúng giỗ như xưa.
Bài và ảnh:Việt Hoàng