Trong tháng 10, vẫn có từ 1 - 2 cơn bão hoặc áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực Biển Đông, trong đó có một cơn ảnh hưởng đến nước ta. Đây cũng là mùa mưa chính ở Trung Bộ với các đợt mưa lớn trong thời đoạn ngắn sẽ liên tiếp xuất hiện.
Ông Bùi Minh Tăng, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho biết, thời gian vừa qua, diễn biến thời tiết tương đối phức tạp và bất thường. Tháng 7 âm lịch, các tỉnh miền Bắc mưa nhiều. Theo quy luật nhiều năm, bước sang tháng 8 âm lịch, thời tiết khu vực này sẽ ít mưa hơn. Tuy nhiên trên thực tế, lượng mưa trong tháng này cao hơn trung bình nhiều năm.
Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thời tiết diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất nông nghiệp của nhiều địa phương. Tại miền Bắc, giai đoạn lúa trỗ, vào chắc lại gặp mưa lớn, liên tục (do ảnh hưởng của các cơn bão) làm ngập úng, ngã đổ nhiều diện tích lúa. Nhiều diện tích bị giảm năng suất, một số ít bị mất trắng. Mưa lớn liên tiếp cũng khiến cho các vùng trồng rau ở các tỉnh phía Bắc bị thiệt hại nặng. Giá rau theo đó bị đẩy lên cao gấp 2 - 3 lần so với thời điểm thời tiết thuận lợi. Cuối tháng 9, đầu tháng 10, các tỉnh miền Trung có hàng chục ha lúa, hoa màu, cây công nghiệp, muối, hồ ao nuôi trồng thủy sản bị ngập nước bởi mưa lớn kéo dài do ảnh hưởng của bão số 10. Trong khi đó, diện tích lúa hè thu và thu đông tại các tỉnh miền Nam cũng phát triển không thuận bằng những năm trước. Nguyên nhân là do nắng nóng cục bộ xảy ra thường xuyên, vào giai đoạn cuối thì mưa nhiều, tạo điều kiện cho dịch bệnh phát sinh, làm giảm năng suất và chất lượng lúa.
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương nhận định, trong những tháng cuối năm, lượng mưa ở Bắc Bộ ở mức xấp xỉ và thấp hơn so với trung bình nhiều năm từ 20 - 50%. Nền nhiệt độ ở khu vực này xấp xỉ các năm trước: Hà Nội 24,60C; Hải Phòng 24,50C; Sơn La 21,70C. Lượng mưa ở Nam Bộ và Tây Nguyên bằng hoặc thấp hơn so với trung bình nhiều năm. Cụ thể, lượng mưa tại Tây Nguyên phổ biển ở mức xấp xỉ so với trung bình nhiều năm; lượng mưa tại Nam Bộ phổ biển ở mức thấp hơn các năm trước từ 20 - 40%. Có khả năng mùa mưa ở Tây Nguyên và Nam Bộ kết thúc sớm hơn so với bình thường (khoảng nửa cuối tháng 10).
Trong tháng 10, có khả năng xuất hiện từ 1 - 2 cơn bão hoặc áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực Biển Đông, trong đó có một cơn ảnh hưởng đến nước ta. Tháng 10 cũng là thời kỳ chính của mùa mưa ở Trung Bộ. Theo dự báo, lượng mưa ở khu vực này thấp hơn trung bình nhiều năm từ 20 - 50%. Riêng các tỉnh Bắc Trung Bộ có lượng mưa ngang bằng với các năm trước. Tuy nhiên, tại khu vực này vẫn có khả năng xảy ra các đợt mưa lớn trong thời đoạn ngắn. Theo dự báo, trong tháng này, có một số địa bàn xảy ra mưa lớn với lượng mưa ở mức cao gồm: Đà Nẵng 450 - 550mm, Huế 550 - 650mm, Vinh 350 - 450mm. Vì vậy, trong tháng này, các tỉnh miền Trung cần đề phòng hiện tượng lũ lên nhanh, lũ quét, sạt lở đất đá, đặc biệt là tại vùng núi, nơi có địa hình dốc.
Ngay trong những ngày đầu tháng 10 này, lũ trên các sông ở Nghệ An, Hà Tĩnh đang lên nhanh. Lũ trên sông Cửu Long, vùng Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên cũng lên khá mạnh. Đến ngày 6 - 7/10, lũ vùng đầu nguồn sông Cửu Long có khả năng đạt đỉnh cao nhất năm. Đỉnh lũ trên sông Tiền tại Tân Châu xấp xỉ mức báo động 3, hạ nguồn sông Cửu Long, vùng Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên trên mức báo động 3.
Huyền Tím