Tháng Tư trên "Đất thép Thành đồng”

Những ngày này cách đây 39 năm, tại mảnh đất Củ Chi - Đất thép Thành đồng đang ráo riết chuẩn bị chờ giờ nhận lệnh tấn công vào Sài Gòn để giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc...


Công nhân Tổng công ty Xây lắp điện 2 đang thi công tại vị trí 711-71A01.

 

Trong những ngày tháng Tư lịch sử này, tại mảnh đất Củ Chi, những người công nhân đang khẩn trương lao động để đúng vào ngày 30/4 sẽ đóng điện đường dây 500 kV Pleiku - Mỹ Phước - Cầu Bông. Đây là một trong những "lời giải" để khắc phục tình trạng thiếu điện tại phía Nam vào mùa khô này...


Những ngày nước rút


Có mặt tại các vị trí do Tổng công ty cổ phần Xây lắp điện 1 đảm nhận thi công hai gói thầu 13 và 14, với 69km, 141 vị trí trên địa phận hai tỉnh Bình Dương và Bình Phước... mới thấy hết không khí lao động khẩn trương của anh em công nhân.


Ông Đặng Văn Nghĩa, Phó Tổng Giám đốc tổng công ty, người thường xuyên có mặt tại công trường cho biết: Để đảm bảo đúng tiến độ cam kết với chủ đầu tư (Ban Quan lý Dự án các công trình điện miền Trung) và cũng là mệnh lệnh của Thủ Tướng Chính phủ nhằm đóng điện đúng vào dịp 30/4, đơn vị chúng tôi đã huy động toàn bộ đội ngũ cán bộ, công nhân viên có tay nghề giỏi và những thiết bị chuyên dùng, đồng thời giao Chủ tịch Công đoàn đảm nhận Trưởng Ban chỉ huy công trường. Lãnh đạo đơn vị cùng Ban chấp hành Công đoàn, Đoàn Thanh niên thường xuyên tổ chức những đợt phát động thi đua ngay trên tuyến, xác định đây là công trình quan trọng để giải quyết nguồn năng lượng cho mùa khô. Đội ngũ cán bộ, công nhân viên đã hăng say lao động không quản ngại khó khăn, gian khổ. Hơn 300 anh em đang có mặt đã làm thêm giờ, hầu như không nghỉ trưa, ăn uống ngay tại các vị trí đang lao động. Chúng tôi cũng có kế hoạch chi hỗ trợ và tổ chức cho người nấu phục vụ bữa trưa để anh em đảm bảo sức khỏe trong giai đoạn quan trọng này. Tại vị trí néo 8201-8301, nằm trên địa phận xã Phú Hoà Đông, huyện Củ Chi, đã hơn 12 giờ trưa mà anh em vẫn hăng say kéo dây cho kịp các vị trí tiếp theo đưa dây lên trụ. Anh Lê Văn Tuấn, Tổ trưởng tổ 3, thuộc Công ty TNHH Một thành viên Xây lắp điện 2, người trực tiếp chỉ huy kéo dây dài chiều dài 4,5 km tại các vị trí xung yếu trên địa bàn huyện Củ Chi cho biết: Anh em chúng tôi xác định đây là thời điểm quan trọng nhất để hoàn thành các phần việc cuối cùng là đưa được toàn bộ dây lên trụ, để tiếp tục các công việc còn lại căng chỉnh, mắc sứ. Vì vậy anh em làm việc không hề ngừng nghỉ, buổi trưa cố gắng hoàn thành dứt điểm từng phần việc, rồi tranh thủ ăn trưa và làm tiếp. Chúng tôi có mặt tại các vị trí thi công ngay từ lúc mặt trời mọc và tranh thủ làm khi mặt trời tắt hẳn mới nghỉ ngơi. Mọi người không nề hà bất cứ điều gì, vì thời gian không còn nhiều nên chúng tôi đã động viên nhau phải hoàn thành đúng tiến độ và đảm bảo chất lượng.


Theo chủ đầu tư, đến ngày 1/4 trên toàn bộ tuyến đã dựng xong 900 vị trí cột và kéo hoàn chỉnh 105,2 km đường dây, đang kéo rải gần 300 km.


Tinh thần "Dám nghĩ, dám làm"


Đường dây 500 kV Pleiku - Mỹ Phước - Cầu Bông có chiều dài tuyến 437,21km, đi qua địa bàn các tỉnh Gia Lai, Đăk Lăk, Đăk Nông, Bình Phước, Bình Dương và Thành phố Hồ Chí Minh. Riêng đoạn tuyến cuối cùng đi qua địa bàn huyện Củ Chi - Thành phố Hồ Chí Minh có chiều dài 14,3 km, ngoài ra còn có đoạn cải tạo từ đường dây 500 kV Tân Định- Phú Lâm có chiều dài 7,1 km. Đi qua các xã Phú Hòa Đông, xã Trung An, xã Tân Thạnh Đông và xã Tân Phú Trung. Số hộ dân bị ảnh hưởng tại móng trụ điện là 109 hộ (ứng với 121 thửa đất) và hành lang tuyến ảnh hưởng 6 hộ (ứng với 861 thửa đất). Đây là đoạn tuyến có tính phức tạp cả mặt kỹ thuật lẫn bồi thường. Khi thi công phải cắt điện nhiều đường dây cao áp giao chéo, đặc biệt phải cắt điện đường dây 500 kV Tân Định - Phú Lâm trong 30 ngày và đường dây 500 kV Đăk Nông - Phú Lâm trong 15 ngày. Vì vậy, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng lại cần phải đặc biệt quan tâm. UBND huyện Củ Chi và Ban quản lý Dự án các công trình điện miền Trung đã có nhiều suy tính để tìm ra giải pháp hữu hiệu nhất trong công tác bồi thường GPMB đoạn tuyến qua địa bàn huyện, đặc biệt đoạn tuyến cải tạo từ các đường dây 500 kV. “Dám nghĩ, dám làm” luôn đi đầu sáng tạo là nét truyền thống của nhân dân, chính quyền huyện Củ Chi qua mọi thời đại. Đồng chí Lê Minh Tấn, Chủ tịch UBND huyện Củ Chi đã “xé rào”, mạnh dạn đề xuất và được UBND thành phố chấp thuận cho tách phương án bồi thường phần móng và hành lang làm 2 phần riêng biệt, mới đáp ứng tiến độ. Lập và trình duyệt phương án bồi thường phần móng trụ trước, để chi trả tiền ngay cho các hộ bị ảnh hưởng và bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công. Công đoạn này đã đẩy nhanh được tiến độ bàn giao mặt bằng trước 3-4 tháng. Việc làm này chưa có tiền lệ cho bất cứ dự án nào, trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.


Cũng do tính cấp bách của dự án, nên UBND huyện Củ Chi đã thống nhất cho các đơn vị tư vấn tiến hành lập hồ sơ kỹ thuật thửa đất bị ảnh hưởng, song song với việc lập hồ sơ kê kiểm của ban bồi thường, dưới hình thức cuốn chiếu từng khu vực. Các sai sót (nếu có) được cập nhật, chỉnh lý ngay tại hiện trường. Xử lý được tình huống này vẫn đảm bảo tính chính xác của hồ sơ và đã góp phần đẩy nhanh tiến độ được 2-3 tháng. Đến giai đoạn lập phương án bồi thường cho phần hành lang tuyến. Do đặc điểm như đã nêu trên, nếu chờ tìm đầy đủ các hộ dân mới trình duyệt phương án bồi thường hành lang sẽ gây khó khăn cho việc dựng cột kéo dây. Chủ tịch UBND huyện và Giám đốc Ban quản lý Dự án các công trình điện miền Trung một lần nữa đề xuất và được UBND thành phố chấp thuận cho tách phương án bồi thường hành lang tuyến ra làm nhiều đợt (từ 3 đến 4 đợt). Đối với các hộ có hồ sơ đầy đủ là tập hợp để lập ngay phương án bồi thường, trình duyệt và chi trả tiền, trung bình mỗi đợt bồi thường hành lang có khoảng 200 hồ sơ. Tổng cộng có 4 đợt bồi thường phần hành lang. Trên tinh thần này, Chủ tịch UBND huyện đã chỉ đạo cho Hội đồng bồi thường và Ban bồi thường huyện tập trung cán bộ, nhân viên, làm cả ngoài giờ hành chính (kể cả thứ 7 và chủ nhật). Các vướng mắc đều được các phòng, ban của huyện từ Tư pháp, Thanh tra, Tài nguyên môi trường, Quản lý đô thị, Kinh tế... hỗ trợ tuyệt đối. Mọi công đoạn đều được chỉ đạo hoàn thành với 1 thời gian nhất định, phù hợp với tiến độ chung của dự án. Các cán bộ của ban, ngành, đoàn thể huyện, xã đã miệt mài vận động để đạt được mục tiêu chung, trong việc xây dựng hạ tầng cho đất nước. Kết quả, trong dự án này không tổ chức cưỡng chế bất kỳ hộ dân nào.


Bài và ảnh: Văn Sơn

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN