Chương trình 716 của Chính phủ về thí điểm giải pháp hỗ trợ hộ nghèo nâng cao điều kiện an toàn chỗ ở, ứng phó với lũ, lụt vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung được triển khai từ giữa năm 2012. Không chỉ giúp người dân vùng lũ lụt có cuộc sống an toàn, ổn định chương trình này còn giúp họ thoát nghèo bền vững.
Sức lan tỏa mạnh
Kết quả thí điểm tại 7 tỉnh với 700 hộ nghèo được hưởng thụ cho thấy, mô hình nhà vượt lũ được người dân đón nhận bởi rất phù hợp điều kiện thực tế.
Chương trình thực hiện với nguyên tắc “Nhà nước hỗ trợ, cộng đồng giúp đỡ, hộ gia đình tham gia đóng góp” để xây dựng được nhà chòi phòng tránh lũ, lụt có sàn sử dụng cao hơn mức ngập lụt từ 1,5 - 3,6 m, diện tích tối thiểu 10 m2; các kết cấu chính như móng, khung, sàn tương đương kết cấu của gian nhà ở xây dựng kiên cố. Giá thành xây dựng tối thiểu 30 triệu đồng/nhà chòi; trong đó Nhà nước hỗ trợ 10 triệu đồng, vốn vay ngân hàng chính sách 10 triệu đồng với lãi suất 3%/năm trong thời gian 10 năm (thời gian ân hạn trong 5 năm đầu); số vốn còn lại do người dân tự đóng góp.
Nếu được đầu tư xây nhà vượt lũ, người dân sẽ không còn phải chịu cảnh này. Lý Kha - TTXVN |
Nhận thấy hiệu quả từ chương trình, Bộ Xây dựng vừa đề xuất với Chính phủ về chính sách hỗ trợ các hộ nghèo khu vực miền Trung xây dựng nhà ở phòng chống lũ lụt. Theo dự kiến, sẽ có khoảng 40.000 hộ nghèo ở vùng thường xuyên bị thiên tai, lũ lụt thuộc 14 địa phương khu vực miền Trung (từ tỉnh Thanh Hóa đến Bình Thuận) được thụ hưởng chính sách này. Ngân sách nhà nước (NSNN) cấp 10 triệu đồng/hộ (vùng đặc biệt khó khăn, mức hỗ trợ là 12 triệu đồng/hộ). Cùng đó, các hộ còn được Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay ưu đãi tối đa 15 triệu đồng/hộ.
Theo Bộ Xây dựng, hiện có khoảng 40.500 hộ nghèo đang sống tại khu vực ngập lụt từ 1,5 m trở lên, trong đó hơn 8.000 hộ cư trú tại thôn, xã đặc biệt khó khăn. Bên cạnh đó, còn có 36.400 hộ cận nghèo, trong đó 6.100 hộ cư trú tại thôn, xã đặc biệt khó khăn. Nếu chỉ tính riêng số hộ nghèo, nguồn vốn ngân sách trung ương cần hỗ trợ xây nhà vượt lũ là 417 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương 4,2 tỷ đồng và vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội là 608 tỷ đồng. Mốc thời gian đề xuất triển khai thực hiện trong 2 năm (2014 và 2015), trong đó, năm 2014 hỗ trợ 156 tỷ đồng cho 15.000 hộ; số còn lại trên khoảng 25.000 hộ, sẽ được hỗ trợ trong năm 2015. Sau khi hoàn thành việc hỗ trợ cho các hộ nghèo, căn cứ tình hình thực tế, chương trình sẽ đề nghị thực hiện hỗ trợ đối với những hộ thuộc diện cận nghèo.
Giảm thiệt hại cho người dân
Chương trình xây nhà vượt lũ cho đồng bào miền Trung được nhiều chuyên gia đánh giá là thành công kép vì ngoài việc giúp người dân có nhà còn giúp họ có thể thoát nghèo một cách bền vững.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho biết: 14 tỉnh duyên hải Miền Trung từ Thanh Hóa tới Bình Thuận liên tục phải hứng chịu những cơn bão kèm theo mưa lũ rất lớn. Những ngôi nhà tránh lũ này đều an toàn và vững vàng chống chọi được với những đợt mưa lũ liên tiếp trong thời gian qua, đảm bảo an toàn cả về tài sản cả về tính mạng cho người dân.
Bộ Xây dựng đang điều tra thực địa để lập bản đồ phân vùng những khu vực sẽ bị tác động lớn của bão. Từ đó sẽ kiến nghị những giải pháp để xây dựng những công trình ứng phó khi bão xảy ra.
Thu Hằng