Cần đưa ra giải pháp mạnh để việc phân luồng học sinh sau khi tốt nghiệp THCS vào học nghề hiệu quả hơn. Đây là một trong những nội dung được quan tâm thảo luận tại Hội thảo “Các trình độ dạy nghề, liên kết dạy nghề và cơ chế, chính sách thực hiện xã hội hóa dạy nghề” do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tổ chức sáng qua, 23/4.
Phân luồng kém, hậu quả lớn
Theo đánh giá của Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD- ĐT) hiện nay, việc phân luồng học sinh sau tốt nghiệp trung học cơ sở vào học nghề hiện đang là “điểm nghẽn” vẫn chưa đuợc giải quyết.
HS học nghề sửa chữa máy móc tại trường Cao đẳng nghề kỹ thuật công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc. Ảnh: Nguyễn Văn Nhật |
Chỉ thị số 10-CT/TW của Bộ Chính trị đặt chỉ tiêu đến năm 2020, có ít nhất 30% số HS sau khi tốt nghiệp THCS đi học nghề. Tuy nhiên, TS Phạm Như Nghệ, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chuyên nghiệp (Bộ GD- ĐT) cho biết, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS vào học trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp vẫn rất thấp, hiện chỉ vào khoảng 5% HS tốt nghiệp THCS đi học nghề.
Theo thống kê, hàng năm, có gần 400.000 HS (bao gồm HS không trúng tuyển ĐH, CĐ và HS chưa tốt nghiệp THPT bỏ học giữa chừng) tham gia thị trường lao động. “Nếu phân luồng tốt thì gần 400.000 HS này sẽ được học nghề. Điều này sẽ góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực chung của quốc gia”, ông Nghệ khẳng định.
Việc phân luồng kém hiệu quả còn gây ra những bất hợp lý trong cơ cấu lao động của doanh nghiệp. Đại diện Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam cho biết, nhiều doanh nghiệp do sức ép về lao động nên đã phải tiếp nhận các kỹ sư, cử nhân học những ngành nghề ít liên quan đến khai thác mỏ vào làm việc.
Đầu tư cho cơ sở dạy nghề
Theo Vụ Giáo dục Chuyên nghiệp (Bộ GD - ĐT), hiện nay có tới 70% số HS tốt nghiệp THCS tiếp tục vào học THPT. Thời gian tới, Bộ đặt ra mục tiêu giảm tỷ lệ này xuống còn 50- 60%; số còn lại sẽ được huớng vào học nghề; đồng thời, giảm tối đa số HS tốt nghiệp THCS tham gia thị trường lao động mà không qua đào tạo nghề; giảm tỷ lệ HS tốt nghiệp THPT vào ĐH, CĐ; tăng tỷ lệ HS tốt nghiệp THPT vào giáo dục nghề nghiệp.
Để đạt được mục tiêu này, việc giáo dục hướng nghiệp trong các trường THCS và THPT phải được tăng cường hơn nữa. Bởi hiện nay, hướng nghiệp trong trường phổ thông rất yếu. Trường THCS gần như không có nội dung này. Còn ở trường THPT, giáo viên hướng nghiệp là giáo viên kiêm nhiệm, không am hiểu thị trường lao động, có chuyên môn hướng nghiệp.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, Nhà nuớc cũng cần có chính sách hỗ trợ, khuyến khích học sinh tốt nghiệp THCS vào học các truờng nghề như: miễn giảm học phí, cấp học bổng, hỗ trợ tìm kiếm việc làm, tạo việc làm.
Đặc biệt, công tác truyền thông trong lĩnh vực này cũng cần được đẩy mạnh, để người học và xã hội hiểu được rằng, việc phân luồng không phải là đẩy những người yếu thế về lực học và điều kiện kinh tế đến một phương thức đào tạo khó khăn; mà trái lại, việc này sẽ tạo ra những cơ hội để người học lựa chọn con đường phù hợp nhất với họ.
Mạnh Minh