Liệu giá nhà có lên nữa hay không, có nên vay tiền mua nhà? Bộ Xây dựng có đổ tiền vào để cứu thị trường bất động sản (BĐS) hay không? Đó là những băn khoăn của người dân gửi đến Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng trong chương trình “Dân hỏi, Bộ trưởng trả lời” trên VTV1, Cổng thông tin điện tử Chính phủ, TTXVN và một số cơ quan truyền thông khác.
Thị trường BĐS đã ấm lên
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho biết, khi thị trường BĐS đóng băng, nhiều chuyên gia quan tâm, lo ngại cho thị trường này và có nhiều cách đánh giá khác nhau là cứu hay không cứu thị trường BĐS. Với trách nhiệm là cơ quan quản lý BĐS và nhà ở, Bộ Xây dựng căn cứ vào tình hình thực tế của nền kinh tế Việt Nam, đánh giá nguyên nhân ảnh hưởng đến thị trường BĐS để kiến nghị Chính phủ đề ra hệ thống các giải pháp đồng bộ, để tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS. Tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS dựa trên nguyên tắc khắc phục sự “lệch pha” về cung cầu BĐS và gắn khó khăn của thị trường BĐS với việc thực hiện chiến lược nhà ở của quốc gia. Nhà ở làm ra là phải đến được với người dân, để người nghèo cũng có nhà. Từ đó các hệ thống giải pháp đã được đưa ra và đặc biệt là Nghị quyết 02 của Chính phủ (năm 2013) về cơ cấu lại các dự án, chính sách về tài khóa, thuế, tín dụng, cũng như việc yêu cầu trách nhiệm của các chủ thể tham gia và thị trường BĐS.
“Cuối năm 2013 đến nay, thị trường BĐS đã ấm lên, đặc biệt từ đầu năm đến nay, giao dịch BĐS đã tăng gấp 2 lần cũng kỳ quý I năm 2013. Giá BĐS nói chung không giảm, một số nơi tăng lên; tồn kho BĐS giảm còn 34,4%. Tuy nhiên, thị trường bất động sản diễn biến phức tạp, sẽ còn nhiều khó khăn, do vẫn còn nhiều dự án các chủ đầu tư không đủ năng lực thực hiện. Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục theo dõi, điều chỉnh kịp thời, để thị trường này phát triển đồng bộ, lành mạnh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế”, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng khẳng định.
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho biết, nền kinh tế đang vận hành theo cơ chế thị trường, nhưng có sự quản lý của Nhà nước để thị trường phát triển lành mạnh. “Trong thời gian dài chúng ta quá tôn trọng thị trường nên đã dẫn đến khó khăn của thị trường BĐS trong thời gian vừa qua. Đến nay, vẫn phải tháo gỡ khó khăn cho thị trường này”, Bộ trưởng Dũng khẳng định.
Để người nghèo cũng có nhà ở
“Hiện nay, cả nước có trên 4.000 dự án nhà ở, trong đó sử dụng hơn 102.000 ha đất. Nếu đầu tư tất cả các dự án này sẽ tiêu tốn hết 4,5 triệu tỷ đồng và tạo ra khoảng 3 triệu căn hộ. Với khả năng của nền kinh tế Việt Nam, trong thời gian trung hạn, khó có thể giải quyết được khối lượng lớn dự án trên. Hiện nay, nhiều dự án được cấp phép đã dừng lại như Thành phố Hồ Chí Minh có 9 dự án, tương đương với hơn 7.000 ha đất; Hà Nội cũng phải dừng gần 100 dự án. Như vậy, không có lý do gì để cấp phép mới các dự án khác, trong khi đang phải dừng những dự án đã được cấp phép. Đây là biện pháp can thiệp cần thiết của Nhà nước trong điều kiện nền kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Tuy nhiên, những dự án đặc biệt vẫn được cấp phép, nhưng phải có sự đồng ý của Nhà nước”, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho biết.
Bộ trưởng Dũng cũng cho biết, nhà ở là nhân tố để phát triển con người. Trong Hiến pháp cũng nêu rõ quyền có nhà ở của con người. Hiến pháp năm 2013 sửa đổi yêu cầu Nhà nước phải có chính sách về nhà ở, tạo điều kiện cho người dân có chỗ ở. Để thực hiện quan điểm của Đảng, Nhà nước, năm 2011, Chính phủ đã xây dựng chiến lược nhà ở. Đây là bước đột phá trong việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội, trong đó cùng lúc phát triển hai loại nhà ở là: Nhà ở thị trường đáp ứng khả năng thanh toán của người dân; nhà ở xã hội có sự hỗ trợ của Nhà nước để người không đủ điều kiện tiếp cận nhà ở thị trường sẽ có chỗ ở.
“Chiến lược nhà ở là một bước cụ thể hóa quan điểm của Đảng về phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, nhà ở xã hội không phải là nhà bao cấp, mà để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư làm nhà ở, Nhà nước hỗ trợ người thu nhập thấp, người khó khăn về nhà ở được mua nhà ở với giá thấp hơn giá thị trường do Nhà nước hỗ trợ tiền sử dụng đất, thuế VAT đầu ra, tín dụng... Nhà nước không chỉ khuyến khích các doanh nghiệp tham gia làm nhà ở xã hội, mà khuyến khích cả các cá nhân, nhằm tạo ra quá trình xã hội hóa trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước”, Bộ trưởng cho biết.
Trọng Thủy