Việt Nam và Lào có chung đường biên giới trải dài trên 2.000 km, có mối quan hệ gắn bó và tình đoàn kết đặc biệt giữa hai dân tộc từ lâu đời. Cùng với đó, quá trình cộng cư dọc chiều dài biên giới có thể thấy những dấu ấn văn hóa Lào tồn tại ở nhiều nơi trên đất Việt và ngược lại.
Là một tỉnh có hơn 200 km đường biên giáp với nước bạn Lào, Sơn La hiện là vùng đất có nhiều dân vùng thượng Lào sinh sống từ lâu đời (chiếm khoảng 0,33% dân số toàn tỉnh), tập trung chủ yếu ở hai huyện Sốp Cộp và Sông Mã; trong đó xã Mường Và có tỷ lệ người dân tộc Lào sinh sống đông nhất. Họ sống quy tụ thành làng bản, xây dựng những ngôi nhà sàn kiên cố, sinh sống chủ yếu bằng nghề trồng trọt, nương rẫy.
Tháp cổ Mường Và. Ảnh: Nguyễn Chiến/TTXVN |
Tại bản Mường Và hơn 400 năm trước, được sự giúp đỡ của cư dân bản địa, chủ yếu là người Thái (chiếm 53,76% dân số trong toàn tỉnh) người Lào đã xây dựng lên tháp Mường Và. Tộc người Lào khi đến định cư ở nơi đây từ hàng trăm năm trước đã mang theo tín ngưỡng của mình với phong tục thờ Phật trong chùa tháp, bởi vậy tháp Mường Và mang đậm dấu ấn của Phật giáo phái tiểu thừa. Đây cũng là một trong những công trình kiến trúc hiếm hoi ở Tây Bắc mang đậm dấu ấn văn hóa của người Lào trên đất Việt.
Bà Ngô Thị Hải Yến, Trưởng phòng Quản lý di sản (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Sơn La) cho biết: Di tích tháp Mường Và, ngoài ý nghĩa rất quan trọng về mặt kiến trúc cổ, kiến trúc nghệ thuật, còn có ý nghĩa lịch sử rất quan trọng bởi nằm ngay ở nơi tiếp giáp vùng biên giới giữa Việt Nam và Lào; qua đó khẳng định tình đoàn kết giữa Việt Nam và Lào cũng như mối giao lưu về văn hóa giữa hai dân tộc vùng biên giới là dân tộc Lào và dân tộc Thái ở Sơn La. Những năm gần đây, tỉnh Sơn La rất quan tâm tới di tích này. Ngoài hai lần trùng tu, tỉnh còn xây dựng nhà lưu niệm để lưu giữ những hiện vật có giá trị của di tích còn sót lại.
Tháp Mường Và là sợi dây nối liền quá khứ với hiện tại và là nơi nguyện cầu của người dân nơi đây về cuộc sống hòa bình, no ấm. Ngôi tháp chứa đựng những câu chuyện linh thiêng và huyền bí. Sự linh thiêng huyền bí đó ẩn hiện trong đời sống cộng đồng nơi đây từ bao đời.
Già làng Lò Văn Thoong chia sẻ: Trước đây có cả tháp và chùa, được xây dựng từ rất lâu rồi, là nơi để dân bản cầu nguyện về một cuộc sống ấm no. Tháp ở trên núi cao rất linh thiêng, đã che chở cho người dân nơi đây có được cuộc sống bình yên.
Trải qua những biến cố thăng trầm hơn 400 năm của tháp Mường Và, những năm chiến tranh rồi thiên tai..., chùa và tháp Mường Và đã không còn nguyên vẹn như xưa, đến nay đã hai lần tháp được trùng tu lại theo kiến trúc cũ. Tháp tọa lạc trên một quả đồi nhân tạo, cao 13m, hình bút hướng lên trời xanh, bốn mặt đều nhau với những họa tiết mang đậm nét kiến trúc chùa tháp của người Lào.
Di tích tháp Mường Và được xếp hạng Di tích kiến trúc cổ cấp quốc gia vào năm 1995. Tháp có một giá trị về mặt văn hóa, nghệ thuật và mang đặc tính văn hóa, tôn giáo của dân tộc Lào tại Tây Bắc nói chung, tỉnh Sơn La nói riêng. Ngoài những câu chuyện huyền bí, tháp Mường Và hiện được coi là công trình cổ kính bậc nhất của huyện Sốp Cộp và là một trong những công trình kiến trúc cổ còn lại ít ỏi trên vùng đất văn hóa Tây Bắc.
Tháp Mường Và hiện là một điểm tham quan hấp dẫn với du khách phương xa. Từ trên tháp có thể ngắm toàn cảnh bản Mường Và cùng những dãy núi trùng điệp, cánh đồng rộng mênh mông và dòng suối thơ mộng. Cùng với huyện Sốp Cộp, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Sơn La đang nghiên cứu về việc phát triển tuyến du lịch tại đây, nhằm quảng bá những giá trị văn hóa của tháp Mường Và cũng như của địa phương.