Bảo hiểm y tế (BHYT) là một trong những chính sách ưu việt, giúp các hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) được hưởng lợi từ các dịch vụ y tế. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, quá trình triển khai thực hiện chính sách này còn gặp nhiều trở ngại.
“Tồn kho” quỹ bảo hiểm
Mấy ngày nay, đứa con mới lên 4 tuổi của vợ chồng anh Siu Din, dân tộc Jrai, ở làng Bui (xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) lên cơn sốt. Anh chị cứ mong ngóng cán bộ của trạm y tế xã về làng thăm khám, mà không dám đưa con lên trạm y tế xã, vì lên đó thế nào cũng phải mua thuốc, trong nhà lại không còn tiền.
Cần có đầu mối cấp thẻ BHYT để người nghèo và trẻ em được tiếp cận dịch vụ y tế kịp thời. |
Cầm trên tay tấm thẻ hộ gia đình DTTS nghèo, anh Siu Din tâm sự: “Giá mà cái thẻ này đổi được cái thẻ BHYT. Năm trước mình có thẻ BHYT nên con cái, vợ chồng có ốm đau thì lên trạm y tế, nhanh lắm! Không biết sao năm nay lại cấp muộn đến vậy”.
Không chỉ riêng trường hợp của gia đình anh Sin Din, mà hơn 200 hộ nghèo (đa số là DTTS) với khoảng 1.000 nhân khẩu ở xã Nghĩa Hưng vẫn chưa được hưởng chính sách BHYT, do chưa được cấp thẻ.
Lý giải nguyên nhân của việc chậm cấp thẻ BHYT, ông Thới Văn Đạo, Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Gia Lai, cho biết: Một trong những nguyên nhân cấp thẻ BHYT chậm là do việc lập danh sách có những sai sót về thông tin như: Họ, tên, địa chỉ, giới tính, nên phải làm đi làm lại nhiều lần. Hơn nữa, do tập quán canh tác nương rẫy, bà con thường xuyên vắng nhà, nên việc thu thập thông tin để làm thẻ cũng gặp nhiều khó khăn.
Theo báo cáo mới nhất của Bảo hiểm xã hội Gia Lai, số tiền kết dư quỹ BHYT luôn nằm ở mức cao. Năm 2011, tổng số tiền kết dư là 198 tỷ đồng, năm 2012 là hơn 260 tỷ đồng. Một trong những nguyên nhân khiến quỹ BHYT luôn trong tình trạng “tồn kho” là do tần suất khám chữa bệnh bằng thẻ BHYT của người dân thấp, chỉ đạt 0,8 lần/người/năm.
Một người... 6 thẻ
Việc chậm cấp thẻ BHYT đã khiến cho người dân trong diện thụ hưởng chính không được thăm khám kịp thời, dù rằng nhu cầu khám chữa bệnh của đồng bào là rất cao.
Nhưng lại có một nghịch lý, trong khi việc chậm cấp thẻ BHYT cho người dân, nhất là đồng bào DTTS sinh sống ở những vùng ĐBKK, đang được các cấp, ngành, địa phương “cố gắng” tháo gỡ, thì lại phát sinh tình trạng cấp trùng, cấp nhầm thẻ BHYT (!)
Trong 2 năm (2011 và 2013) đã có 29 triệu lượt người nghèo, DTTS được cấp thẻ BHYT miễn phí; trên 10% người thuộc hộ cận nghèo tham gia mua thẻ BHYT được ngân sách hỗ trợ bằng 70% mệnh giá. |
Nghịch cảnh “người không có, người lại có nhiều thẻ BHYT” vừa mới được Bảo hiểm xã hội Việt Nam công bố tại hội nghị tổng kết 4 năm thực hiện Luật BHYT diễn ra ngày 1/7/2013. Theo đó, tính từ 1/7/2009 - năm 2011, qua rà soát tại 43 địa phương, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam phát hiện có tới 770.000 thẻ BHYT bị cấp trùng. Nếu rà soát cả 63 tỉnh thành thì số lượng cấp trùng có thể lên đến hàng triệu.
Theo cơ quan Bảo hiểm xã hội Việt Nam, 3 đối tượng bị cấp trùng nhiều thẻ BHYT nhất là: Trẻ em dưới 6 tuổi, người nghèo và đồng bào DTTS sống ở miền núi, vùng sâu vùng xa (là nhóm đối tượng được nhà nước hỗ trợ 100% kinh phí mua thẻ). Tình trạng một người sở hữu 2 thẻ BHYT là khá phổ biến, thậm chí có trường hợp có tới... 6 thẻ.
Nguyên nhân cấp trùng thẻ BHYT được xác định là do sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng có trách nhiệm lập hồ sơ, danh sách và cấp phát thẻ BHYT chưa tốt; các sở, ngành, cơ quan chuyên môn cũng chưa chủ động cùng phối hợp với BHXH. Ông Phạm Lương Sơn, Trưởng Ban thực hiện chính sách BHYT - Bảo hiểm xã hội Việt Nam, cho biết: Hiện nay, việc cấp trùng thẻ BHYT là “điều không thể tránh khỏi” bởi nước ta chưa quy định rõ trách nhiệm về một đầu mối cấp thẻ BHYT. Các nhóm đối tượng khác nhau sẽ do các cơ quan, tổ chức, đơn vị khác nhau thống kê, lập danh sách kê khai.
“Quả bóng” trách nhiệm về việc cấp trùng thẻ BHYT đang được đá qua đá lại, trong khi hàng trăm tỷ đồng từ ngân sách nhà nước đã được phân bổ về cho các bệnh viện, tính vào quỹ khám chữa bệnh BHYT cho các bệnh viện mỗi năm lại phải “tồn kho”. Trong khi đó, hàng vạn nhân khẩu, nhất là đồng bào DTTS đang sinh sống ở vùng sâu vùng xa, vùng ĐBKK đang mỏi mòn được hưởng chế độ chính sách do chưa được cấp phát thẻ BHYT. Cần sớm khắc phục tình trạng này để đảm bảo cho đồng bào được thụ hưởng chính sách khám chữa bệnh
Bài và ảnh: Tùng Nguyên - Minh Đức