Nghiên cứu mới nhất của Chương trình Môi trường LHQ (UNEP) công bố ngày 8/5 cho biết, mỗi năm thế giới mất tới 13 triệu hécta rừng nhiệt đới, tương đương diện tích của Hy Lạp. Diện tích rừng bị mất hàng năm này làm gia tăng 6 tỷ tấn CO2 gây hiệu ứng nhà kính, gấp 3,6 lần lượng khí thải do các nhà máy điện và các nhà máy công nghiệp của Liên minh châu Âu (EU) thải vào khí quyển năm 2010 theo chương trình tín dụng khí thải của Nghị định thư Kyoto về biến đổi khí hậu.
Rừng nhiệt đới Amazon đang bị phá hủy nghiêm trọng. |
Nghiên cứu của UNEP xác định rừng có thể hỗ trợ giữ nhiệt độ Trái Đất không tăng quá 2 độ C, mức tăng nhiệt độ an toàn để biến đổi khí hậu không đe dọa cuộc sống nhân loại vào cuối thế kỷ này, nếu giảm được 50% diện tích rừng bị mất vào năm 2030. Để đáp ứng mục tiêu này, thế giới cần đầu tư từ 17-33 tỷ USD mỗi năm để trồng rừng và khôi phục các diện tích rừng bị mất. Giá trị thị trường cácbon của rừng có tiềm năng tăng tới 10.000 tỷ USD vào năm 2020, trong khi tổng giá trị hàng hóa và dịch vụ từ hệ sinh thái rừng vào khoảng 5.000 tỷ USD. Cho đến nay, tiềm năng khổng lồ này phần lớn vẫn chưa được khai thác hiệu quả.
UNEP lưu ý rằng hầu hết diện tích rừng trên thế giới nằm ở các nước đang phát triển. Việc sử dụng rừng như một công cụ tiến tới một hiệp định quốc tế chống biến đổi khí hậu đã được thúc đẩy trong hai thập kỷ qua. Hội nghị LHQ về biến đổi khí hậu năm 2010 tại Cancun (Mêhicô) đã xem xét tạo ra tín dụng cácbon rừng trong hiệp ước quốc tế mới về khí hậu và Hội nghị LHQ về biến đổi khí hậu vào tháng 12 tới tại Durban (Nam Phi) sẽ khẳng định vai trò của rừng như là phương tiện hàng đầu để giảm khí thải.
Anh Tuấn (P/v TTXVN tại LHQ)