Thế giới sao nhãng nhiệm vụ cải cách tài chính?

Liệu những chính sách được công bố sau các cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu 2008-2009 và khủng hoảng tài chính châu Á 1997-1998 có đang được thực thi giúp nền kinh tế thế giới an toàn hơn?

Kinh tế toàn cầu còn xa mới đạt mức “khỏe mạnh”.

Cuộc khủng hoảng 1997-1998 đã dẫn đến những lời kêu gọi cải tổ cấu trúc tài chính quốc tế hoặc chính sách và hoạt động của các thể chế kinh tế quốc tế để thúc đẩy sự ổn định tài chính toàn cầu. Một số lượng lớn các giải pháp đã được đề xuất để ngăn chặn khủng hoảng và xử lý khủng hoảng. Tuy nhiên, với sự phục hồi nhanh hơn mong đợi của các nước châu Á sau khủng hoảng, tâm lí thỏa mãn đã xuất hiện và những cải cách đã bị lãng quên hoặc từ bỏ. Chính sự thỏa mãn này đã phần nào tạo ra cuộc khủng hoảng 2008-2009, dù nguyên nhân chính là do những thất bại trong việc quản lý, giám sát và điều hành tài chính ở các nước phương Tây.


Dưới sự bảo trợ của nhóm G-20 mới được thiết lập, một lần nữa, một số lượng lớn chính sách lại được công bố. Liệu chúng có được thực thi và thế giới đang trở nên an toàn hơn?


Câu trả lời là "không" bởi một số lí do, trong đó trước tiên là tâm lí thỏa mãn. Cách đây 5 năm, các thị trường tín dụng bị đóng băng, thương mại quốc tế sụt giảm, kinh tế toàn cầu hướng đến tình trạng đại suy thoái giống như thập niên 1930.


Giờ đây, các thị trường tài chính không còn tạo ra một mối đe dọa mang tính hệ thống tức thì với kinh tế toàn cầu nữa. Kinh tế toàn cầu cũng phát đi những tín hiệu hồi phục. G-20 đã tạo ra tiến bộ lớn trong cải tổ kinh tế toàn cầu trong ba hội nghị thượng đỉnh đầu tiên trong các năm 2008, 2009 nhưng tới các hội nghị sau này, vấn đề tái cấu trúc kinh tế thế giới không còn được G-20 coi trọng nữa.


Lý do thứ hai dẫn đến việc thiếu tiến triển trong cải tổ toàn cầu là việc Mỹ không chịu từ bỏ quyền phủ quyết và kiểm soát Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Được thành lập năm 1944 bởi Mỹ và 43 quốc gia cùng chung chí hướng, “câu lạc bộ” này đã thiết lập các quy tắc toàn cầu trong lĩnh vực tài chính. Hệ thống dựa trên quyết định mang tính đa phương này đã góp phần vào sự ổn định tài chính, sự phát triển nhanh chóng của thương mại quốc tế, và thịnh vượng kinh tế chưa từng thấy không chỉ ở các thành viên câu lạc bộ mà còn ở các nước khác trên toàn thế giới. Trong số đó có cả các nước thuộc nhóm BRICS, gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi.


BRICS khao khát có tiếng nói lớn hơn và muốn điều hành IMF. Tuy nhiên, các thành viên IMF không muốn trao quyền cho họ, bởi giống như nhiều thể chế khác, IMF được thiết lập để đảm bảo sự kiểm soát chặt chẽ trong tay các thành viên sáng lập. Vì thế, một trong những trọng tâm của các đề xuất cải tổ toàn cầu đang không thể thực hiện được, cụ thể là cam kết của G-20 chuyển 6% quota và quyền phủ quyết cũng như hai ghế trong ban lãnh đạo IMF cho các nền kinh tế đang nổi.


Lý do thứ ba cho sự tiến bộ hạn chế trong vấn đề cải cách là sự gắn kết tương đối yếu trong nội bộ BRICS. Việc thiết lập G-20 sau khủng hoảng 2008 đã cho BRICS một cơ hội chưa từng có để ngồi cùng bàn với các thành viên G-7 và tham gia thảo luận về chính sách kinh tế toàn cầu với tư cách thành viên chủ chốt. Tuy nhiên, dù các nhà lãnh đạo BRICS đã bắt đầu nhóm họp trước hội nghị G-20 và ra một tuyên bố, nhiều người cho rằng BRICS là “không có thực lực”.


Đề xuất thành lập một Ngân hàng Phát triển BRICS và Quỹ Dự trữ Khẩn cấp đang tiến triển chậm chạp do một số thành viên giờ đây cũng trải qua suy giảm kinh tế. Và khi vị trí giám đốc điều hành IMF bị bỏ trống hồi năm ngoái, BRICS đã thất bại trong việc giành lấy vị trí này, bởi ai cũng biết IMF có truyền thống không dành cho người ngoài châu Âu.


Việt Hải (Theo trang mạng RSIS)

 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN