Thế giới tuần hành Ngày Quốc tế lao động 1/5

Hàng ngàn người lao động thương vong vì sập nhà kinh hoàng tại Bănglađét, châu Âu khốn đốn bởi chính sách thắt lưng buộc bụng, người lao động Đông Nam Á muốn cải thiện mức lương... Ngày Quốc tế Lao động năm nay đã diễn ra với nhiều trăn trở với nhân dân lao động khắp thế giới và đây cũng là dịp đặc biệt để họ bày tỏ nguyện vọng với các chính phủ.

 

Cuộc tuần hành đỏ rực cờ của các thành viên đảng Cộng sản Nga tại Mátxcơva. Ảnh: AFP/TTXVN

 

Người Bănglađét phẫn nộ


Hàng nghìn người lao động giơ cao biểu ngữ, đánh trống, hô khẩu hiệu khi tham gia biểu tình qua trung tâm thủ đô Đắcca (Bănglađét) trong ngày 1/5. Họ yêu cầu được đảm bảo an toàn lao động và thi hành án tử hình đối với chủ tòa nhà Rana Plaza. Tòa nhà 8 tầng này đã đổ sập tại ngoại ô Đắcca hôm 24/4 khiến ít nhất 6 người tử vong và 2.500 người bị thương, trong đó nhiều nạn nhân là công nhân làm việc trong xưởng may. Bất chấp việc công nhân phàn nàn về nhiều vết nứt lớn trong tòa nhà một ngày trước đó, các quản lý đã yêu cầu họ quay trở lại làm việc.


Khả năng chủ của tòa nhà 8 tầng bị sập chỉ chịu mức án phạt tối đa là 7 năm tù giam đã khiến người Bănglađét phẫn nộ. Có tới hơn 20.000 người đã sôi sục biểu tình tại thủ đô Đắcca và rất nhiều cuộc biểu tình quy mô nhỏ hơn tại các thành phố khác.

 

Đông Nam Á đòi tăng lương


Trong bối cảnh chi phí cuộc sống ngày càng tăng cao, đông đảo người lao động khu vực Đông Nam Á đã xuống đường biểu tình trong ngày 1/5 để phản đối mức lương thấp và đòi thực hiện các quyền cơ bản của người lao động.


Tại Campuchia, công nhân chủ yếu làm việc tại các xưởng may và nhà máy đóng giày đã tập trung tuần hành tại thủ đô Phnôm Pênh nhằm đưa kiến nghị tăng mức lương tối thiểu lên 150 USD/tháng (hiện ở mức 80 USD/tháng), đồng thời yêu cầu chính phủ cải thiện điều kiện lao động và giảm giá xăng dầu.


Trong khi đó, cảnh sát Inđônêxia cho biết đã có 55.000 người lao động tham gia tuần hành tại thủ đô Giacácta. Đây là cuộc tuần hành lớn nhất trong Ngày Quốc tế Lao động tại nước này những năm gần đây.


Hàng nghìn người lao động Philíppin cũng đã tuần hành hòa bình tại thủ đô Manila với lời kêu gọi giới chủ tăng lương và tạo điều kiện làm việc tốt hơn.

 

Đụng độ tại Thổ Nhĩ Kỳ


Năm nay, chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã ra lệnh cấm tuần hành tại Quảng trường Taksim, thành phố Istanbul mặc dù đây là một sự kiện phổ biến trong 3 năm qua. Chính phủ lấy lý do quảng trường trung tâm đang trong quá trình sửa chữa nên không an toàn cho những cuộc tụ tập lớn. Tuy nhiên, người dân vẫn biểu tình phản đối quyết định trên. Đụng độ xảy ra đã buộc cảnh sát phải dùng vòi rồng và hơi cay để trấn áp những người biểu tình quá khích.

 

EU phản đối “khắc khổ”


Tại khu vực đồng tiền chung châu Âu, đông đảo người lao động Hy Lạp đổ xuống các đường phố ở Aten biểu tình phản đối chính sách kinh tế khắc khổ của chính phủ.


Tại Tây Ban Nha, các cuộc tuần hành diễn ra tại trên 80 thành phố với những lời kêu gọi thay đổi trong chính sách kinh tế của Liên minh châu Âu (EU). Tỉ lệ thất nghiệp lên tới 27% là một trong những nguyên nhân chính đẩy người lao động nước này sôi sục xuống đường.


Trong khi đó, theo cảnh sát Nga, đã có hơn 17.000 người tuần hành trong Ngày Quốc tế Lao động tại trung tâm thủ đô Mátxcơva. Trong ngày này, các phương tiện giao thông không được lưu thông tại một số khu vực trung tâm khi nhiều tuyến phố chỉ dành cho người đi bộ.

 

Cuba tưởng nhớ Hugo Chavez


Tại Cuba, khoảng nửa triệu người dân đã tham gia các hoạt động kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động gắn với tưởng nhớ người bạn lớn, cố Tổng thống Vênêxuêla, Hugo Chavez. Đích thân Chủ tịch Cuba Raul Castro đã dẫn đầu cuộc tuần hành của khoảng 300.000 người tại khu vực quảng trường Cách mạng ở thủ đô La Havana, nơi dựng một tấm chân dung khổng lồ Tổng thống Chavez.

 


Hà Linh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN