Thể thao truyền thống trong lễ hội Đền Hùng

Nằm trong các hoạt động dịp Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm 2013 và tôn vinh di sản “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ”, nhiều giải đấu thể thao được tổ chức với quy mô rộng khắp từ thành phố Việt Trì cho tới trung tâm Lễ hội Đền Hùng và các vùng phụ cận. Ngoài Giải bóng chuyền vô địch quốc gia PV Oil tranh Cúp Hùng Vương và Giải quần vợt hữu nghị Đền Hùng, thì một số giải thể thao truyền thống như cờ tướng, vật dân tộc, bắn nỏ, Hội thi bơi chải trên sông Lô cũng thu hút được sự quan tâm của những người tham dự lễ hội. Các môn thể thao nói trên không chỉ góp phần tạo không khí sôi động, vui tươi lành mạnh trong những ngày hội, mà còn nêu cao ý thức bảo tồn, làm giàu và phát huy các nét đẹp văn hóa mang đậm bản sắc, truyền thống của người Việt Nam.

 

Vật dân tộc


Môn thể thao phổ biến nhất và cũng thể hiện rõ nhất tinh thần thượng võ của cha ông ta là đấu vật dân tộc. Đấu vật thường được tổ chức trong dịp đầu xuân và các lễ hội làng xã, nhằm khuyến khích tài năng cũng như sự rèn luyện của trai tráng. Tục xưa, người ta trao giải cho các đô vật giành chiến thắng bằng tiền, bằng mâm đồng, nồi đồng…

 

Thi đấu vật, Ảnh: Thanh Tùng - TTXVN

 

Quy định chung của cuộc đấu là người chiến thắng phải vật cho đối phương “lấm lưng, trắng bụng” (ngã ngửa ra đất) hoặc nhấc bổng được đối phương lên. Về kỹ thuật, vật dân tộc có những “ngón nghề” riêng, như đệm, bốc, ghì… Tùy theo từng hoàn cảnh và điều kiện, đô vật phải biết tận dụng thời cơ để quật ngã hoặc bê bổng đối phương. Vì thế, đấu vật không chỉ cần đến sức khỏe và sự dẻo dai, mà nó còn cần cả sự khéo léo của người chơi.

 

Bắn nỏ


Trong cuộc sống xưa, người dân sáng tạo ra cây nỏ để rèn luyện sức khỏe, bắn chim, săn thú. Nó cũng trở thành vũ khí lợi hại để bảo vệ bản làng khi có giặc thù. Người dùng muốn có cây nỏ tốt phải tìm được gỗ tốt làm thân nỏ. Cánh nỏ làm bằng mảnh cây già được vót nhẵn hơ trên lửa. Dây nỏ được xoắn rất khéo bằng sợi lanh. Tên nỏ vót từ gỗ già, gióng thẳng.

 

Nữ giới cũng mê bắn nỏ.

 

Môn bắn nỏ có nhiều cách chơi phong phú như bắn trúng đích xa, gần. Thi bắn xa thì lần lượt từng người bắn cùng vị trí, sau đó kiểm tra đích tìm người thắng cuộc.Thi trúng đích thì tùy theo quy ước xa gần, điểm đích là bia hay chiếc lá, mảnh giấy có vẽ đồng tâm. Người bắn giỏi phải tập luyện thường xuyên, tập cho đôi tay khỏe, đôi mắt tinh nhanh. Không chỉ có nam giới mà nữ giới các dân tộc Việt Nam cũng rất mê bắn nỏ, thậm chí có người còn đạt thành tích cao hơn nam giới. Vì thế, trong nhiều cuộc đua tranh ở bản làng hay tại ngày hội thể thao lớn trong vùng đều có đông đảo nam nữ tham gia.

 

Cờ tướng


Cờ tướng là môn thể thao được nhiều người yêu thích trong các ngày hội, ngày Tết. Đây là thú chơi tao nhã, trí tuệ, dịp “trà dư tửu hậu”. Các cụ thường gặp nhau bên chén trà và mở bàn cờ tướng ra giải trí. 32 quân cờ chia thành 2 phe (16 quân đỏ và 16 quân đen), bày xong là cuộc đấu trí bắt đầu. Cờ người cũng là cờ tướng mà quân cờ là người thật, chơi trên sân bãi. 16 nam áo đỏ, 16 nữ mặc áo đen đeo biển (tên quân cờ) trước ngực, đứng vào vị trí. Hai tướng (Tướng Ông, Tướng Bà) mặc đẹp có 2 cờ đuôi nheo cắm chéo sau lưng, được che lọng. Có người chạy cờ, lo việc chuyển quân theo ý định của người chơi. Mỗi lần đi một nước, đấu thủ gõ một tiếng trống. Người chạy cờ tới nghe lệnh và chuyển quân trên bãi. Nguyên tắc đi quân là mã nhật, tượng điền, xe liền, pháo cách.

 

Hội thi bơi chải trên sông Lô


Đây chính là một “đặc sản” của dịp Giỗ Tổ Hùng Vương. Theo truyền thuyết, hội thi bơi chải tại ngã ba Bạch Hạc (sông Lô, TP Việt Trì) đã có từ thời xa xưa. Ngã ba sông này là nơi đã được Hai Bà Trưng, rồi Trần Nhật Duật, chọn làm địa điểm đóng chiến thuyền và luyện thủy quân đánh giặc.

 

Hội thi bơi chải tại ngã ba Bạch Hạc (Phú Thọ).

 Từ đó, người dân ở đây đã tổ chức hội thi bơi chải hàng năm để phát huy tinh thần thượng võ và tưởng nhớ các vị anh hùng, luyện tay nghề, bản lĩnh nghề sông nước, tăng cường rèn luyện thể chất và lòng dũng cảm của con người, thúc đẩy phong trào toàn dân tham gia rèn luyện sức khỏe để bảo vệ Tổ quốc. Tục truyền rằng, khi Trần Nhật Duật luyện quân ở ngã ba Bạch Hạc, ông đã chia các đội thủy binh thành các giáp, mỗi giáp mang một sắc phục khác nhau, tùy vào nhiệm vụ. Vì vậy, người ta mới gọi các đội chải là các giáp. Ở hội thi bơi chải, mỗi đội chải gồm 24 tay chèo, một người cầm lái và một người giữ nhịp, ngoài ra còn có một tay chải dự bị. Hai vị trí cầm lái và giữ nhịp có vai trò đặc biệt quan trọng trong đội chải. Đây thường là những tay chải kỳ cựu nhất.


Bảo An

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN