Nàng yêu hoa. Điều đó được thể hiện trên những luống hoa đẹp rực rỡ trước thềm nhà do chính tay nàng vun trồng. Trong ngôi nhà của vợ chồng son, lúc nào cũng có nhiều lọ hoa đặt khắp nơi, một số là sản phẩm do nàng tạo ra, số còn lại do nàng đi chợ thấy đẹp mua về. Nàng trồng hoa bốn mùa nên hầu như lúc nào thềm nhà cũng trải thảm hoa và cây xanh trong mát. Gần Tết, nàng trồng hoa nhiều hơn, chăm sóc chu đáo hơn những ngày thường. Theo nàng thì mùa xuân là mùa đẹp nhất trong năm, khách đến nhà thường xuyên, nếu không trang trí ngôi nhà cho thật đẹp thì vô vị. Vì vậy, cứ còn hai tháng nữa đến Tết là nàng đã lo gieo hạt vạn thọ, cúc tía, hướng dương… Rồi đến giữa tháng Chạp là nàng bắt đầu bấm đọt vạn thọ, cúc và tước lá mai. Do chỉ là “nội tướng” nên nàng có dư thời gian để làm những chuyện này. Cứ mỗi năm xuân về, khách đến nhà tôi đều khen lấy khen để thềm nhà đẹp như bức tranh thủy mặc.
Tôi yêu thích cái khoảnh khắc nàng ngồi hàng giờ trước thềm hoa rồi bất giác nàng cười vu vơ khó hiểu. Nụ cười cuốn hút như đóa hoa đang bung mình trong sương sớm. Cũng vì cái nét duyên ấy mà tôi quyết theo đuổi nàng hồi còn là sinh viên. Sau khi ra trường, nàng đã về làm chị dâu của ông anh ruột tôi, tức là vợ tôi đấy. Nhiều lúc tôi trêu nàng: “Bây giờ sao đây, định yêu hoa rồi bỏ bê chồng phải hông? Có biết là anh ganh tị không?”. Nàng cười duyên, bẹo má tôi và nói: “Mặt anh trông gian quá, không yêu nữa. Em chuyển qua yêu hoa coi bộ thích hơn”.
Thế mà cái Tết năm nay, ngôi nhà tôi lại lạnh lẽo, tẻ nhạt vô cùng. Mấy luống vạn thọ, cúc tía, thủy tiên, hướng dương… khô héo, ủ rũ đến phát tội. Dù hoa đã ra nụ, nhưng trông chúng thiếu sức sống và chẳng có gì gọi là mang xuân về. Cây mai được nàng tước lá phân nửa thì bỏ dở. Nhà cửa bừa bộn không thể tả, cứ y như ổ chuột của mấy gã cái bang. Nàng giận tôi. Bỏ mặc tôi, xách vali về nhà ba mẹ ruột. Thật ra chuyện chẳng có gì gọi là ầm ĩ. Số là công ty đối tác của tôi có tổ chức tiệc tất niên sớm và mời tôi tham gia. Hôm đó, không biết trời xui đất khiến thế nào mà tôi lại ngồi gần một nữ nhân viên khá hấp dẫn. Đợi lúc tôi say, cô ấy nhét vào túi áo tôi một tờ giấy có ghi số điện thoại, kèm theo một dòng ghi chú thân mật. Vì lịch sự nên tôi không bỏ đi và về đến nhà thì quên mất. Sáng hôm sau, trong lúc giặt đồ, nàng phát hiện và nộ khí xung thiên. Thường ngày nàng dịu dàng, mỏng manh như những cánh hoa trước thềm nhà bao nhiêu thì nay lại như bông hồng đầy gai góc.
Hai ngày vắng nàng, tôi không thèm gọi điện vì cho rằng mình chẳng làm gì có lỗi. Nhưng sang ngày thứ ba thì tôi nhớ, nhớ nhiều lắm. Tối ngủ một mình trống vắng làm sao. Nhiều lần muốn gọi điện cho nàng, nhưng tính tự ái đàn ông trỗi lên, thế lại thôi. Đành gọi điện cho mấy cậu em vợ, hỏi han coi nàng ra sao. “Bà chị giận anh dữ lắm. Anh mau qua rước về đi, em chịu hết nổi rồi. Bả cứ khóc thút thít suốt ngày”, cậu Út nói thế. Chao ôi, nghe cậu em nói mà tôi chùn lòng, cứ đau đáu mãi. Mấy đồng nghiệp tôi cũng đốc thúc vào: “Mày coi qua nhà xin lỗi vợ đi, chứ không khéo năm nay ăn Tết một mình đó. Phụ nữ thường giận dai lắm, nhưng nếu đàn ông chịu xin lỗi là xong ngay. Lăn tăn làm gì, dù sao cũng là vợ mình mà, bộ tính giận nhau cả đời chắc”. Nghe ông bạn nói thật chí lý, cộng thêm những lời khuyên của mấy chị hàng xóm, cuối cùng tôi quyết định sẽ qua xin lỗi nàng.
Nhưng tạm thời chưa phải lúc. Giờ bắt đầu nghỉ Tết, tôi phải dọn dẹp lại ngôi nhà cho khang trang, tươm tất, trát sơn cho sáng sủa lên. Tiếp đó là chăm sóc mấy luống hoa trước thềm nhà cho tươi tốt, bón phân vào, tỉa lá tỉa cành cho ra vẻ nghệ nhân. Dù rằng chúng không khỏe bằng lúc vợ tôi “nuông chiều”, nhưng chịu khó một tí, sau mấy ngày, chúng cũng bừng tỉnh mùa xuân. Cây mai trước nhà chỉ trổ hoa một nửa, nửa còn lại thì dày đặc màu áo xanh ngắt. Nhưng lỗi nghệ thuật đôi khi dẫn đến sự phá cách độc đáo, trông cũng hay hay. Tôi muốn dành sự ngạc nhiên này để khi bước vào thềm nhà, nàng sẽ cảm động và yêu tôi hơn. Thú thật là tôi chịu hết nổi cái cảnh xa vợ rồi. Thiếu nàng như thiếu cả mùa xuân, thiếu một đóa hồng dịu dàng, thùy mị.
Duy Duy