Trước lời kêu gọi hỗ trợ từ Chính phủ Yemen ngày 26/3, nhiều quốc gia ở vùng Vịnh và lân cận đã tuyên bố tham gia chiến dịch quân sự do Saudi Arabia phát động chống lại phiến quân Hồi giáo Houthi tại Yemen.Bộ trưởng Quốc phòng Saudi Arabia Mohammed bin Salman đón Tổng thống Abd-Rabbo Mansour Hadi (trái) tại căn cứ không quân Riyadh. Ảnh: THX/TTXVN |
Văn phòng Tổng thống Ai Cập cho biết sẽ triển khai lực lượng hải quân và không quân tới hỗ trợ chiến dịch không kích các mục tiêu phiến quân Houthi tại Yemen, khẳng định mục đích là giúp người dân Yemen lập lại hòa bình và ổn định. Quyết định này phản ánh trách nhiệm của Ai Cập trong việc bảo đảm an ninh của một quốc gia Arab ở vùng Vịnh và khu vực Biển Đỏ dựa trên Hiệp ước phòng vệ chung khối Arab và hiến chương của Liên đoàn Arab (AL).
Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Maroc cho biết nước này sẽ gia nhập liên minh quốc tế chống phiến quân Houthi tại Yemen bằng việc hỗ trợ dưới mọi hình thức như chính trị, tình báo, hậu cần và quân sự. Quan điểm của Rabat là đưa Yemen thoát khỏi khủng hoảng và đánh bại mọi âm mưu của nước ngoài chống Yemen cũng như gây mất an ninh cho các nước vùng Vịnh và Arab.
Ngày 26/3, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cho biết Ankara có thể sẽ hỗ trợ về mặt hậu cần cho Saudi Arabia trong cuộc chiến chống phiến quân Houthi ở Yemen. Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình France 24, Tổng thống Erdogan nói rằng Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ chiến dịch can thiệp của Riyadh tại Yemen và đang cân nhắc cung cấp hỗ trợ về mặt hậu cần sau khi đánh giá kỹ tình hình.
Chính phủ Pakistan cùng ngày thông báo sẽ cử một phái đoàn cấp cao quân sự-dân sự tới Saudi Arabia để đánh giá tình hình và cân nhắc gia nhập liên minh chống phiến quân Houthi theo lời kêu gọi của chính quyền Riyadh.
Theo tuyên bố từ Văn phòng Thủ tướng nước này, quyết định trên được Thủ tướng Nawar Sharif đưa ra sau cuộc họp với các quan chức cấp cao quân đội và quốc phòng tối 26/3 tại thủ đô Islamabad. Dự kiến, Bộ trưởng Quốc phòng và Cố vấn cấp cao về an ninh của Thủ tướng Nawar Sharif sẽ dẫn đầu đoàn quan chức quốc phòng Pakistan tới Saudi Arabia trong ngày 27/3 để đánh giá cục diện cuộc chiến chống phiến quân Houthi của liên minh quốc tế do Riyadh đứng đầu.
Trong khi đó, Chính phủ Algeria ngày 26/3 đã từ chối lời mời tham gia chiến dịch quân sự tại Yemen và kêu gọi tìm kiếm giải pháp hòa bình thông qua đối thoại chính trị. Bộ Ngoại giao Algeria cho biết bạo lực leo thang tại Yemen có thể ảnh hưởng tới tiến trình chính trị, làm gia tăng chia rẽ, sự bành trướng của chủ nghĩa khủng bố. Algeria hối thúc các bên xung đột tại Yemen kiềm chế, tôn trọng ý nguyện của nhân dân Yemen, hiến pháp và thông lệ quốc tế.
Trong một diễn biến khác liên quan, Chính phủ Saudi Arabia ngày 26/3 khẳng định không có kế hoạch tiến hành can thiệp quân sự trên mặt đất ở Yemen. Quân đội Saudi Arabia cho biết giai đoạn đầu của chiến dịch mang tên “Siêu Bão" (Firmness Storm) chỉ nhằm vào các mục tiêu phòng không, các căn cứ không quân của phiến quân Houthi, phá hủy các máy bay, trung tâm chỉ huy và hệ thống tên lửa của lực lượng này.
Ngoài việc tăng cường tấn công các mục tiêu phiến quân Houthi tại Yemen, Chính phủ Saudi Arabia cũng ban hành hàng loạt các biện pháp an ninh nhằm bảo vệ các cơ sở lọc dầu và khu công nghiệp trên cả nước. Bộ trưởng Nội vụ Saudi Arabia, hoàng thân Mohammed bin Nayef ngày 26/3 cho biết Riyadh sẽ đáp trả mạnh mẽ mọi âm mưu nhằm phá vỡ an ninh quốc gia.
Theo đó, an ninh tại các địa điểm công cộng, cơ sở lọc dầu, khu công nghiệp trên cả nước và đặc biệt tại khu vực biên giới với Yemen sẽ được tăng cường nhằm ngăn chặn mọi nỗ lực phá hoại của phiến quân Houthi.
TTXVN/Tin tức