Cuộc khủng hoảng mang tên Ukraine đã xuất hiện thêm dấu hiệu lạc quan khi các bên đều tỏ ý muốn thu hẹp bất đồng thông qua bàn đàm phán.
Tiếp tục nỗ lực ngoại giao
Phát biểu trước Duma Quốc gia Nga (Hạ viện) ngày 6/6, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Vasily Nebenzya cho biết: Các nỗ lực ngoại giao sẽ tiếp tục được triển khai nhằm xử lý cuộc khủng hoảng tại Ukraine. Ông Nebenzya tiết lộ các bên liên quan nhất trí rằng không thể chấp nhận những ngôn từ, quan điểm mang tính “tối hậu thư”. Nga luôn duy trì quan hệ đối tác với Ukraine và chưa bao giờ hành xử theo lối “kiêu ngạo”, đồng thời mong muốn các nhà lãnh đạo ở Ukraine cũng tỏ ra thân thiện vì “Nga và Ukraine là hai nước láng giềng”. Ở phía bên kia, giới chức Ukraine cũng chủ động giải tỏa những nghi ngờ về việc Kiev có ý định cho phép Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đặt chân vào quốc gia Đông Âu này. Người phát ngôn Bộ ngoại giao Ukraine Yevhen Perebyinis cho biết, chưa hề có bất kì một cuộc thảo luận nào, dù chỉ là trong ý tưởng, với Mỹ về việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa ở Ukraine. Theo ông, đúng là Mỹ và Ukraine có bàn đến trợ giúp tài chính, nhưng không có bất kì điều kiện đi kèm nào về mặt quân sự.
Từ trái qua phải: Ngoại trưởng Nga cùng các đồng cấp của Anh, Mỹ, Pháp tại cuộc gặp hôm 5/3 tại Rome, Italy. |
Các nỗ lực ngoại giao quốc tế cũng tiếp tục được triển khai nhằm hạ nhiệt căng thẳng. Ngày 6/6, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và đồng cấp người Nga Sergei Lavrov có cuộc gặp lần thứ hai tại Rome, sau khi có các cuộc tham vấn ý kiến từ Nhà Trắng và điện Kremli. Cuộc gặp trước đó ở Paris tuy không đạt được một thỏa thuận mang tính đột phá nhưng cũng đã xuất hiện một số tín hiệu tích cực và mọi việc “đang chuyển động theo một chiều hướng khả quan”, như lời chia sẻ của Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius.
Phát biểu sau cuộc họp ngày 5/3, ông Kerry cho biết cả Mỹ, Nga và Liên minh châu Âu (EU) đều thống nhất rằng cuộc khủng hoảng tại Ukraine phải được giải quyết thông qua đối thoại, vì đối đầu sẽ không đem lại lợi ích cho bất kì bên nào. Cùng ngày, Ngoại trưởng Mỹ, Anh và Ukraine ra tuyên bố chung khẳng định sự cần thiết về thiết lập kênh đàm phán trực tiếp giữa Moskva và Kiev qua vai trò trung gian của các tổ chức quốc tế.
Đề xuất sáp nhập Crưm vào Nga
Theo các hãng thông tấn RIA và ITAR-TASS của Nga, ngày 6/3, Nghị viện nước cộng hòa tự trị Crưm (Crimea) của Ukraine đã bỏ phiếu thông qua nghị quyết về việc sáp nhập vào LB Nga, đồng thời đề nghị Tổng thống và Quốc hội Nga xem xét bắt đầu các thủ tục sáp nhập. Nghị quyết cũng ấn định cuộc trưng cầu ý dân tại Crưm về vấn đề này sẽ được tổ chức vào ngày 16/3 tới.
Hàng nghìn người dân tại Crưm tập trung bên ngoài tòa nhà Quốc hội đã bày tỏ vui mừng trước quyết định này.
Cùng ngày 6/3, hãng RIA dẫn lời Người phát ngôn điện Kremli, Dmitry Peskov, cho biết Tổng thống Putin đã nhóm họp bất thường với Hội đồng An ninh để thảo luận về tình hình Ukraine, trong đó có quyết định cùng ngày của Nghị viện Krym đề nghị sáp nhập vùng tự trị này vào Liên bang Nga. Nguồn tin không cung cấp thêm chi tiết và hiện cũng chưa có phản ứng chính thức của chính phủ tạm quyền tại Kiev về vấn đề này.
Trong một diễn biến liên quan, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Vasily Nebenzya cho biết Moskva thẳng thắn loại trừ khả năng Ukraine sẽ gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Ông nhấn mạnh rằng cả Nga và NATO đều nhận thức rõ hậu quả của việc Ukraine trở thành thành viên của liên minh quân sự này.
Đã xuất hiện hai thông tin quan trọng liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine. Thứ nhất, một đoạn băng ghi âm cuộc nói chuyện giữa các quan chức có trách nhiệm vừa xuất hiện, cho thấy khả năng một trong những thủ lĩnh lực lượng đối lập tại Ukraine đã thuê các tay súng bắn tỉa bắn vào những người có mặt ở quảng trường trung tâm thủ đô Kiev trong các cuộc biểu tình tại đây. Thứ hai, trong quộc gặp với Ngoại trưởng Mỹ, Ngoại trưởng Nga nêu rõ các bên nhất trí cần đưa Ukraine trở lại tiến trình thực hiện thỏa thuận ký ngày 21/2 về cải cách Hiến pháp, thành lập chính phủ hòa hợp dân tộc và bầu cử tổng thống. |
Hoài Thanh (tổng hợp)