Năm 2011, kinh tế thế giới suy giảm, tác động mạnh đến kinh tế Việt Nam và thị trường bán lẻ Việt Nam. Theo ông Phan Thế Ruệ (ảnh), Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, năm 2012, thị trường bán lẻ Việt Nam khó có đột biến lớn vì vẫn phải đối mặt với nhiều sức ép do biến động của kinh tế vĩ mô. Bên cạnh đó, các yếu tố về quản lý giá cả, chất lượng... cũng có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của thị trường bán lẻ.
´Thị trường bán lẻ Việt Nam đã tăng trưởng nhanh trong những năm vừa qua. Theo ông, sự phát triển của thị trường bán lẻ có đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng?
Các doanh nghiệp bán lẻ hàng hóa dịch vụ đã có bước trưởng thành nhanh. Hệ thống phân phối bán lẻ hiện đại phát triển nhanh. Nhiều doanh nghiệp bán lẻ đã thiết lập được hệ thống bán lẻ lớn mạnh và có uy tín, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng cho mọi tầng lớp dân cư tiêu biểu như: Hợp tác xã Thành phố Hồ Chí Minh (Saigon Coop), Tổng công ty Thương mại Hà Nội, Tổng công ty Thương mại Thành phố Hồ Chí Minh,Tập đoàn Phú Thái, Trần Anh, Nguyễn Kim…
Tuy nhiên, thị trường bán lẻ Việt Nam còn bộc lộ nhiều bất cập, yếu kém như: Việt Nam là thị trường đông dân (87 triệu dân), thu nhập đầu người mới ở mức trung bình thấp (1.000 USD), nên tốc độ phát triển nhanh nhưng quy mô thị trường vẫn nhỏ. Thị trường bán lẻ Việt Nam dễ bị tác động của thị trường thế giới, sản xuất và lưu thông hàng hóa vẫn phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu, khả năng cạnh tranh của hàng hóa trong nước chưa cao, chính sách kiểm soát nhập khẩu chưa tốt. Giá cả khó kiểm soát, hàng hóa được phân phối qua nhiều tầng, nấc trung gian, làm tăng chi phí lưu thông và giá bán sản phẩm. Vệ sinh an toàn thực phẩm không bảo đảm, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng làm bức xúc dư luận. Vấn nạn hàng giả, hàng nhái vẫn chưa được giải quyết.
´Thưa ông, năm 2011, kinh tế thế giới suy giảm, tác động mạnh đến kinh tế Việt Nam và thị trường bán lẻ Việt Nam. Theo ông, năm 2012, thị trường bán lẻ có diễn biến khả quan hơn không?
Năm 2012, kinh tế thế giới và thị trường thế giới được dự báo là tăng trưởng chậm lại do suy thoái kinh tế từ Hoa Kỳ, châu Âu, bất ổn xã hội ở Bắc Phi, Trung cận Đông. Lạm phát vẫn cao, tốc độ tăng trưởng kinh tế thấp hơn năm 2010 ở các nước kinh tế mới nổi, khu vực các nước châu Á. Những tác động này sẽ ảnh hưởng lớn đến kinh tế Việt Nam và thị trường bán lẻ. Năm 2012, Chính phủ tiếp tục thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP có điều chỉnh nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát.
Do chịu ảnh hưởng từ những mục tiêu trên của nền kinh tế, thị trường bán lẻ Việt Nam có thể tiếp tục chưa có đột biến lớn về quy mô, dung lượng thị trường, cũng như tốc độ tăng trưởng. Thị trường bán lẻ sẽ biến động phụ thuộc nhiều vào kinh tế vĩ mô. Việc thực hiện lộ trình giá thị trường đối với các mặt hàng Nhà nước quyết định giá, quản lý giá như giá điện, than, xăng dầu cũng có thể tác động đến thị trường.
Thị trường bán lẻ Việt Nam cũng sẽ phụ thuộc nhiều vào thị trường thế giới. Giá đầu vào của nguyên liệu, vật tư đầu vào do phải nhập khẩu vẫn biến động, giá xuất khẩu của một số sản phẩm, đặc biệt là lương thực, nông sản xuất khẩu vẫn diễn biến khó lường. Cần đề phòng trường hợp giá tăng, tỷ giá biến động, lãi suất ngân hàng chậm được đưa về mức hợp lý như kỳ vọng của người tiêu dùng trong khi thu nhập thực tế của người tiêu dùng giảm sẽ tác động bất lợi tới thị trường.
´Ông đánh giá thế nào về vai trò của hệ thống phân phối và các nhà phân phối bán lẻ Việt Nam trong việc quảng bá cho hàng Việt Nam?
Hiệp hội bán lẻ Việt Nam và các doanh nghiệp thành viên coi việc ưu tiên và quảng bá cho sản phẩm nội địa là nhiệm vụ quan trọng nên đã có nhiều biện pháp: ưu tiên diện tích và vị trí trưng bày cho hàng Việt, ưu tiên các chương trình khuyến mãi cho hàng Việt. Tuy nhiên, hàng Việt cũng cần bám sát và đáp ứng xu hướng và tâm lý tiêu dùng của người Việt, đó là không chỉ quan tâm đến giá bán mà có nhu cầu cao về hình thức sản phẩm, dịch vụ chu đáo. Do ảnh hưởng lạm phát và kinh tế khó khăn, người tiêu dùng cũng ưu tiên chọn mua những sản phẩm đóng gói lớn, có giá cả cạnh tranh... để tiết kiệm chi tiêu.
Xin cảm ơn ông!
Thu Hường (thực hiện)