Cuối phiên này, giá vàng giao ngay tại thị trường New York đã giảm 0,4% xuống 1.070,46 USD/ounce, không quá xa so với mức thấp nhất của gần sáu năm qua 1.064,95 USD/ounce lập trong tuần trước. Giá vàng giao tháng 12/2015 cũng giảm 0,4% xuống 1.070 USD/ounce.
Daniel Briesemann, chuyên gia phân tích của Commerzbank cho biết, căng thẳng gia tăng trong quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga chỉ có tác động hạn chế đối với thị trường vàng và giá kim loại quý này có xu hướng giảm trở lại chủ yếu do đồng USD tăng và khả năng FED sẽ nâng lãi suất. Chuyên gia này dự báo giá vàng có thể còn giảm tiếp trong vài tuần tới.
Các nhà giao dịch cho biết thị trường vàng tương đối trầm lắng ở thời điểm Lễ Tạ ơn đang đến gần.
* Thống kê về lượng giàn khoan dầu tại Mỹ chi phối thị trường năng lượng
Kết thúc phiên giao dịch ngày 25/11, giá dầu thế giới đi lên trong bối cảnh thị trường bị chi phối bởi báo cáo cho hay dự trữ dầu tại Mỹ tăng, nhưng số lượng giàn khoan đang hoạt động tại cường quốc này lại giảm.
Cụ thể, trên sàn giao dịch NYMEX, giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao tháng 1/2016 tăng 17 xu Mỹ lên 43,04 USD/thùng. Còn tại London (Anh), giá dầu Brent Biển Bắc giao cùng kỳ hạn cộng thêm 5 xu Mỹ lên 46,17 USD/thùng.
Thống kê từ Bộ Năng lượng Mỹ cho thấy nguồn cung dầu tại nước này đã tăng một triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 20/11. Trong khi đó, báo cáo của công ty dịch vụ dầu mỏ Baker Hughes cho thấy số lượng giàn khoan đang hoạt động tại Mỹ trong tuần kết thúc vào ngày 25/11 đã giảm chín giàn khoan xuống 555.
Theo Bart Melek, phụ trách bộ phận chiến lược hàng hóa tại TD Securities, tâm lý hoài nghi về báo cáo của Baker Hughes sẽ vẫn bao trùm thị trường năng lượng cho tới khi có bằng chứng rõ ràng hơn rằng số lượng giàn khoan dầu giảm dẫn đến sản lượng ít đi. Sản lượng dầu tại Mỹ chỉ giảm khoảng 17.000 thùng/ngày trong tuần trước.
Hiện nay, các nhà giao dịch đang chờ đợi cuộc họp của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), diễn ra vào tuần tới tại Vienna để xem liệu các nhà sản xuất có cắt giảm sản lượng khai thác hay không.