Phát biểu tại hội thảo, ông Daniel Dignard, cố vấn thương mại quốc tế thuộc Bộ Kinh tế và Đổi mới tỉnh Quebec cho biết đối với tỉnh Quebec cũng như đối với các doanh nghiệp Canada, Việt Nam là một thị trường mới, đang phát triển và ngày càng quan trọng về quy mô.
Trong vòng từ 5 đến 10 năm trở lại đây, thị trường Việt Nam không ngừng phát triển và đây là điểm thu hút các nhà đầu tư coi Việt Nam là cơ hội để tiến hành kinh doanh. Đã có thời điểm các doanh nghiệp tập trung nhiều hơn vào Trung Quốc, Nhật Bản hay các thị trường lớn khác, nhưng nay họ đánh giá Việt Nam đang đem đến những cơ hội rất thú vị. Việt Nam cũng là điểm đến rất cạnh tranh xét về mặt tiếp cận thị trường, khả năng tham gia hoạt động chế tạo… Các doanh nghiệp rất lạc quan về khả năng thị trường này sẽ lớn mạnh hơn nữa.
Dự báo, trong năm 2019, Việt Nam tiếp tục giữ vững vị thế là đối tác thương mại hàng đầu của Canada trong khối ASEAN và là đối tác lớn thứ 5 của “xứ sở Lá phong” tại châu Á, sau Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc). Trong 7 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Canada đạt 2,212 tỷ USD, tăng tới 32,69% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ông Nguyễn Hồng Dương, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ, Bộ Công Thương đã nêu bật những điểm mạnh của thị trường Canada mà Việt Nam có thể tận dụng để phát triển công nghiệp hỗ trợ.
Thứ nhất là cơ quan chính quyền Canada ngày càng quan tâm hơn tới Việt Nam. Thứ hai, về mặt khung pháp lý, hai nước đã có Hiệp định Thương mại tự do (FTA) tạo nền tảng pháp lý. Thứ ba, về quy mô sản xuất và thị trường, Canada khá phù hợp với năng lực của nền công nghiệp Việt Nam, trong khi về mặt công nghệ Canada không thua kém các nước phát triển khác.
Công nghiệp phụ trợ trải dài rất nhiều lĩnh vực và nhiều ngành nghề của nền kinh tế. Ông Dương dự báo các ngành công nghiệp như ô tô, dệt may, chế biến thực phẩm sẽ là những lĩnh vực mà Việt Nam có khả năng hợp tác phát triển mạnh với Canada.
Cũng tại hội thảo, bà Trương Thị Chí Bình, Phó Chủ tịch VASI cho biết, trong 1-2 năm gần đây đã xuất hiện xu hướng nhiều doanh nghiệp Canada sang Việt Nam để tìm nhà cung ứng. Nếu so với thị trường Mỹ, dung lượng thị trường Canada liên quan đến linh kiện phụ tùng, nhất là trong lĩnh vực cơ khí chế tạo, ít hơn rất nhiều, tuy nhiên những loại linh kiện phụ tùng mà Canada cần có lẽ phù hợp với năng lực sản xuất của doanh nghiệp Việt Nam hơn. Ở Việt Nam mới chỉ có khoảng 300 doanh nghiệp Việt Nam sản xuất được linh kiện phụ tùng đủ chất lượng để tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Thông qua các cuộc làm việc, trao đổi tay đôi (B2B), hội thảo nói trên đã tạo điều kiện để các doanh nghiệp Canada và Việt Nam kết nối với nhau, tìm kiếm cơ hội mở rộng thị trường, nâng cao năng lực sản xuất…
Việt Nam được giới chuyên gia đánh giá có nhiều điều kiện để phát triển công nghiệp hỗ trợ. Với môi trường kinh doanh ngày càng được cải thiện, Việt Nam đang trở thành điểm đến hấp dẫn đối với nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp.
Mối quan hệ đối tác toàn diện giữa Việt Nam và Canada cùng với Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đang đặt nền móng vững chắc, mở ra cơ hội hợp tác sâu rộng cho doanh nghiệp hai nước.