Chỉ vài giờ sau Lễ phát động “Tháng hành động quốc gia vì chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm” năm 2013 diễn ra tại thành phố Biên Hòa (Đồng Nai), lực lượng kiểm tra chuyên ngành của Hà Nội đã bắt giữ chiếc taxi của hãng taxi Nội Bài vận chuyển 200 kg nội tạng động vật đã bốc mùi hôi thối, được đóng vào nhiều thùng xốp, có dán tem của Hãng hàng không Vietnam Airlines.
Số nội tạng trên được vận chuyển qua đường hàng không từ TP Hồ Chí Minh ra Hà Nội tiêu thụ! Đây chỉ là một trong số những vụ được phát hiện. Vậy còn bao nhiêu thực phẩm bẩn lọt qua sự kiểm soát của cơ quan chức năng và đến tay người tiêu dùng?
Lâu nay, thực phẩm bẩn đã trở thành nỗi lo tiềm ẩn với người tiêu dùng. Thực phẩm bẩn hằng ngày len lỏi vào bữa ăn của từng gia đình, từng bếp ăn tập thể của học sinh, sinh viên, công nhân tại các khu công nghiệp, khu chế xuất. Trong bốn tháng đầu năm, cả nước đã xảy ra 23 vụ ngộ độc thực phẩm, làm 737 người bị ngộ độc, trong đó 4 trường hợp tử vong. Có lẽ đó là lý do mà Bộ Y tế chọn chủ đề “An toàn cho bếp ăn tập thể” cho “Tháng hành động vì chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm” năm 2013.
Theo Bộ Y tế, nguyên nhân dẫn đến các vụ ngộ độc thực phẩm từ bếp ăn tập thể xảy ra trong thời gian gần đây, là do nhiều cơ sở chế biến thực phẩm quy mô nhỏ, điều kiện cơ sở chế biến thực phẩm thủ công, không có đủ phương tiện, dụng cụ bảo đảm an toàn khi vận chuyển, bảo quản thực phẩm đã chế biến cung cấp cho cơ sở sử dụng. Bên cạnh đó, nguồn thực phẩm, nguyên liệu cung cấp cho tiêu dùng rất đa dạng, chủ yếu là quy mô nhỏ, lẻ, manh mún từ hộ gia đình, chứa đựng nguy cơ ô nhiễm rất cao…
Theo thống kê của ngành y tế, hiện cả nước có khoảng 9,4 triệu hộ sản xuất thực phẩm nhỏ lẻ, trong đó 80% là không đảm bảo các điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm; 40,9% trong tổng số 1.416 mẫu thịt và sản phẩm thịt được kiểm tra nhiễm Salmonella; 9% số mẫu nhiễm listeria (gây các bệnh về đường tiêu hóa). Còn theo báo cáo của Ủy ban Khoa học công nghệ và Môi trường của Quốc hội: Diện tích rau an toàn chỉ đạt 8,5% tổng diện tích rau cả nước; số lượng gia súc gia cầm giết mổ được kiểm soát chỉ có 58,1% và có tới 93,9% cơ sở dịch vụ ăn uống chưa được cấp chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm... Những con số nêu trên cho thấy nguy cơ mất an toàn về vệ sinh trong sản xuất, lưu thông và sử dụng thực phẩm hiện nay rất đáng báo động.
Cứ đến hẹn lại lên, năm nào cả nước cũng phát động tháng hành động vì chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm; rồi những đợt ra quân kiểm tra, xử phạt vi phạm, nhưng thực tế tình hình vẫn không có chuyển biến đáng kể, các vụ ngộ độc thực phẩm tập thể vẫn diễn ra. Điều đó đã đặt dấu hỏi về vai trò, trách nhiệm của các cơ quan chức năng, của chính quyền địa phương trong lĩnh vực này?
“Tháng hành động vì chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm” năm nay được phát động đúng vào thời điểm dịch H5N1, H7N9 có nguy cơ lây truyền mạnh. Bởi vậy, hơn lúc nào hết đòi hỏi tinh thần tự giác, trách nhiệm của các doanh nghiệp, chủ sử dụng lao động có bếp ăn tập thể và trên hết, người tiêu dùng cần phải trang bị cho mình những kiến thức cần thiết để nhận biết, phân loại thực phẩm thật giả, hàng kém chất lượng trước khi sử dụng. Quan trọng hơn cả là sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền địa phương, cơ quan chức năng trong kiểm tra, xử lý vi phạm, đặc biệt là cần những biện pháp kiên quyết đối với những chủ hàng và đầu mối tiêu thụ gia cầm thải loại, đe dọa sức khỏe cộng đồng.
Yến Nhi