Ngày 7/6, hơn 53,7 triệu cử tri Thổ Nhĩ Kỳ đi bỏ phiếu bầu quốc hội khóa mới - cuộc bầu cử được đánh giá là cuộc thăm dò thái độ của đất nước đối với khả năng sửa đổi hiến pháp nhằm tăng quyền cho tổng thống Recep Tayyip Erdogan. Tổng cộng hơn 174.000 điểm bầu cử trên cả nước đã mở cửa lúc 5h00 giờ GMT và sẽ đóng cửa lúc 14h. Tổng thống Erdogan phát biểu tại một cuộc vận động cho đảng AKP của ông. |
Có tổng cộng 20 đảng chính trị và 165 ứng cử viên độc lập tham gia tranh cử lần này, bầu ra 500 thành viên Quốc hội cho nhiệm kỳ 4 năm. Luật pháp Thổ Nhĩ Kỳ không cho phép tiến hành thăm dò ý kiến ngoài phòng bỏ phiếu; cơ quan bầu cử trung ương sẽ công bố kết quả sơ bộ sau khi tiến hành kiểm phiếu.
Các cuộc thăm dò trước bầu cử cho thấy đảng Công lý và Phát triển (AKP) cầm quyền của ông Erdogan có khả năng một lần nữa thắng cử, song số phiếu sẽ thấp hơn nhiều so với tỷ lệ 50% mà AKP giành được trong lần bầu trước vào năm 2011. Bản thân ông Erdogan kỳ vọng đảng AKP sẽ giành được ít nhất 2/3 số ghế để đảm bảo thế thắng trong bỏ phiếu sửa đổi hiến pháp, nhằm thay đổi từ chế độ nghị viện sang chế độ tổng thống, với người đứng đầu nhà nước có quyền hạn cao nhất.
Sự kỳ vọng trên có khả năng bị cản trở nếu đảng Dân chủ Nhân dân (HDP) đối lập ủng hộ người Kurd, dự báo về thứ tư, giành trên 10% số phiếu và lọt vào quốc hội. Các đảng chính trị khác có tỷ lệ ủng hộ cao ở Thổ Nhĩ Kỳ là đảng Cộng hòa Nhân dân (CHP), được đánh giá sẽ về thứ hai, và đảng Phòng trào Dân tộc (MHP) về thứ ba có khả năng sẽ khiến đảng AKP của ông Erdogan buộc phải thành lập một chính phủ liên hiệp lần đầu tiên kể từ ông Erdogan lên nắm quyền vào năm 2002.
Bầu cử quốc hội tại Thổ Nhĩ Kỳ diễn ra trong điều kiện an ninh được thắt chặt, sau hai vụ nổ lớn ngày 6/6 làm 4 người thiệt mạng và hơn 180 người bị thương tại thành phố Diyarbakir ở Đông Nam Thổ Nhĩ Kỳ.