Hiện nay, thôn Còn Chủ có 60 hộ dân, trong đó hơn 40 hộ thuộc diện nghèo. Ông Liễu Văn Toán, Trưởng thôn Còn Chủ cho biết: Khoảng 10 năm nay, một số người dân từ trung tâm thôn tách hộ xuống ở ven đường Phú Xá - Thụy Hùng (thôn Còn Chủ) xây nhà khi tuyến đường này được nâng cấp. Không có đường dây điện, nên người dân đã tự kéo điện bằng các cột điện bằng tre từ trên trung tâm thôn xuống.
Dây điện vắt vẻo trên những cột tre. |
Theo quan sát của phóng viên, trên đoạn đường dài khoảng 2 km, nhưng ven đường đã có tới gần 200 cọc tre để dẫn đường dây điện của nhiều hộ dân. Dây điện được người dân buộc cố định bằng túi nilon, dây rừng rất tạm bợ. Những cột tre thay thế cột điện chỉ cao trung bình hơn 2 m.
Chị Hà Thị Diệp, một người dân ở thôn cho biết: “Ở đây, nhà nào muốn dùng điện cũng phải tự kéo dây. Do đường dây điện vào nhà tôi bị thấp, nên nếu có xe chở hàng đi qua mắc vào dây điện là dây điện sẽ bị đứt. Bên cạnh đó, vào mùa mưa bão, những cây tre dễ bị mục nát, gây nguy hiểm cho người đi đường”.
Người dân phải bỏ tiền triệu mua dây điện kéo về nhà do công tơ quá xa nhà. |
Để kéo được đường điện về nhà, người dân phải tự túc mọi khoản chi phí. Công tơ điện của hơn 20 hộ dân được lắp tập trung tại trạm hạ thế và một số cột điện xung quanh trạm cách nơi sinh sống khoảng 2 km.
Chị Hà Thị Diệp đang buộc lại dây điện nhà mình bị tuột. |
"Các nhà ở xóm khác chỉ phải trả từ 400 - 500.000 đồng tiền dây khi mắc điện. Do công tơ ở quá xa nhà, nên nhà tôi phải mua dây hết 3,5 triệu đồng. Bên cạnh đó, các cột dẫn dây điện đều bằng tre nên thường bị gẫy, thường xuyên phải thay dây điện rất tốn kém", ông Liễu Văn Cộng, thôn Còn Chủ bức xúc.
Phó Chủ tịch UBND xã Phú Xá, Đoàn Thị Tuyến cho biết: Tình trạng người dân tự dùng cọc tre kéo điện về nhà đã diễn ra khoảng 10 năm nay. UBND xã đã nhiều lần đề nghị cấp trên xem xét giải quyết và đã có phản hồi, việc kéo đường điện cho nhân dân sẽ được tiến hành sớm nhất có thể.