Thông thoáng trong thủ tục thuế

Cải cách thủ tục hành chính trong đăng ký và kê khai nộp thuế, cũng như việc bình ổn giá sữa trong thời gian qua, là những vấn đề được các doanh nghiệp cũng như người dân gửi đến Bộ trưởng Bộ Tài chính, Đinh Tiến Dũng trong Chương trình “Dân hỏi, Bộ trưởng trả lời” tuần này.

Bỏ các thủ tục không cần thiết

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB) năm 2012, thời gian kê khai và nộp thuế của Việt Nam là 872 giờ, bao gồm cả thời gian kê khai nộp bảo hiểm xã hội là 335 giờ, như vậy, thời gian kê khai nộp thuế năm 2012, theo đánh giá của WB là 537 giờ, ở mức cao so với các nước trong khu vực. Trong thời gian qua, Việt Nam cũng đã cải cách nhiều thủ tục hành chính về thuế nhằm giảm bớt thời gian kê khai, nộp thuế cho doanh nghiệp.



Bộ Tài chính đã phối hợp chặt chẽ với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội doanh nghiệp, Hiệp hội tư vấn thuế, các tổ chức do Ngân hàng Thế giới chỉ định, để đánh giá thời gian nộp thuế của Việt Nam, rà soát và có các giải pháp, chương trình hành động cụ thể, nhằm giảm bớt số lần, thời gian kê khai và nộp thuế cho doanh nghiệp. Tại phiên họp Chính phủ tháng 7 vừa qua, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ dự thảo Nghị quyết để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh phát triển cho doanh nghiệp, tập trung vào cải cách thủ tục hành chính thuế và hải quan… với 3 nhóm giải pháp chính: Giảm số lần kê khai, nộp thuế; rà soát, bãi bỏ các thủ tục, tiêu chí rườm rà khi yêu cầu doanh nghiệp kê khai; các giải pháp rà soát về pháp luật. “Thực hiện được các giải pháp này, sẽ giảm được khoảng 290 giờ kê khai nộp thuế trên tổng số 537 giờ theo tính toán của WB đã công bố năm 2012”, Bộ trưởng khẳng định.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cũng cho biết, từ nay đến giữa tháng 9, một loạt các thủ tục không cần thiết, gây khó khăn, phiền hà cho người nộp thuế sẽ được bãi bỏ để giảm thời gian kê khai và nộp thuế, cũng như giảm thời gian thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu.

Không đánh thuế tiền gửi tiết kiệm


Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, quá trình cải cách thuế hiện nay đã theo thông lệ quốc tế, đi đúng hướng, đúng mục tiêu và phù hợp với thông lệ. Theo đó, doanh nghiệp có lãi thì phải nộp thuế, đó là nghĩa vụ của doanh nghiệp. Cụ thể, từ ngày 1/1/2014, thuế suất, thuế phổ thông, thuế thu nhập doanh nghiệp còn 22%, (năm 2013 là 25%). Đến năm 2016, theo lộ trình, thuế thu nhập doanh nghiệp phổ thông sẽ chỉ còn 20%. Cũng theo đó, lãi còn lại của doanh nghiệp không được chia cho các cổ đông mà để lại tái đầu tư, sẽ không phải nộp thuế, trường hợp lãi được chia thì mỗi cá nhân phải nộp 5%. “Xét về bản chất, khoản thu nhập cá nhân từ đầu tư, góp vốn không khác gì hoạt động kinh doanh khác, nên vẫn phải nộp thuế thu nhập cá nhân. Đối với tiền gửi ngân hàng, hiện nay không thu thuế thu nhập cá nhân là để khuyến khích mọi người dân tiết kiệm chi tiêu, dành tiền gửi tiết kiệm. Đây là nguồn lực to lớn để phục vụ phát triển kinh tế đất nước. Do vậy, mặc dù đây là một khoản thu nhập, nhưng không thu thuế thu nhập cá nhân”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Trọng Thủy

Chính phủ 'siết' kỷ luật, kỷ cương hành chính
Chính phủ 'siết' kỷ luật, kỷ cương hành chính

Ngày 27/7, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định ban hành Quy chế theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN