Thủ đô sẽ rộn ràng với “Sắc màu Tây Bắc”

Hưởng ứng Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam và chào mừng những ngày lễ lớn của dân tộc, trong 3 ngày từ 26 -28/4/2012, tại Trung tâm triển lãm Văn hóa nghệ thuật Việt Nam (số 2 Hoa Lư, Hà Nội), Bộ VH, TT & DL phối hợp với UBND TP Hà Nội và các tỉnh Tây Bắc tổ chức chương trình “Sắc màu Tây Bắc” tại Hà Nội. Đây là một chương trình có quy mô lớn nhằm kết nối Hà Nội với các tỉnh Tây Bắc, đồng thời giới thiệu với du khách chương trình “du lịch qua miền Tây Bắc”.

Với sự góp mặt của 6 tỉnh Tây Bắc gồm Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, chương trình “Sắc màu Tây Bắc” được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội lần này là dịp để các tỉnh Tây Bắc giới thiệu tới nhân dân Thủ đô, du khách trong nước và bạn bè quốc tế một bức tranh tổng thể về miền Tây Bắc thông qua hoạt động triển lãm, văn hóa nghệ thuật, âm nhạc, lễ hội, trình diễn trang phục, trò chơi dân gian, văn hóa ẩm thực, tái hiện phiên chợ vùng cao, các di tích - danh thắng nổi tiếng… với những nét hấp dẫn, độc đáo riêng có của vùng cao Tây Bắc.


Du khách sẽ bắt gặp những hình ảnh rất tiêu biểu của Tây Bắc khi đến với chương trình “Sắc màu Tây Bắc” tại Hà Nội. Ảnh BTC cung cấp


Với chủ đề “Sắc màu Tây Bắc”, một khu vực triển lãm chung rộng khoảng 3.000 m2 sẽ được dành để giới thiệu với du khách về đặc trưng văn hóa vùng Tây Bắc; về chính sách dân tộc và sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với vùng Tây Bắc thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, các chương trình, dự án, chính sách trợ giá...; những kết quả đạt được về công tác dân tộc, xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, làng bản văn hóa; những thành tựu tiêu biểu của các tỉnh Tây Bắc đạt được trong thời gian qua... Đến triển lãm này, người xem sẽ bắt gặp những hình ảnh rất tiêu biểu mà khi nhắc đến, kể cả những ai chưa từng đặt chân lên Tây Bắc cũng có thể nhận thấy; đó là hoa ban - đặc trưng mùa xuân vùng Tây Bắc, đó là cọn nước, thuyền đuôi én; là ngôi nhà sàn Thái, ngôi nhà và hàng rào đá có cô gái Mông đang xay ngô… Bên cạnh đó, BTC cũng sẽ bố trí cho mỗi tỉnh một diện tích riêng để trưng bày những hình ảnh, hiện vật, sản phẩm, trang phục... giới thiệu nét đặc sắc của văn hóa truyền thống địa phương mình.

Ngoài 2 chương trình nghệ thuật lớn gồm chương trình "Lung linh sắc màu Tây Bắc" trong đêm khai mạc, chương trình “Tây Bắc điểm hẹn” trong đêm bế mạc, xuyên suốt trong những ngày diễn ra “Sắc màu Tây Bắc” tại Hà Nội, sẽ có nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật, những lễ hội, những trò chơi dân gian của đồng bào. Mỗi tỉnh sẽ có một chương trình nghệ thuật mang đậm sắc thái địa phương. Tỉnh Hòa Bình mang đến ngày hội màn hòa tấu cồng chiêng, hát, múa dân tộc Mường. Tỉnh Sơn La bên cạnh các màn biểu diễn nghệ thuật dân gian đặc sắc, sẽ trình diễn nguyên gốc lễ hội “Pang A Ma” - lễ hội đặc sắc của dân tộc La Ha (ở bản Nà Tạy, xã Pi Toong, huyện Mường La), có ý nghĩa cầu mong mùa màng bội thu... Tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Yên Bái cũng sẽ giới thiệu những tiết mục hát dân ca, múa dân tộc, trình diễn các nhạc cụ dân tộc, trang phục dân tộc...

Một trong những hoạt động mang ý nghĩa sâu sắc là chương trình gặp gỡ, giao lưu cảm động của các thế hệ quân nhân, cựu chiến binh, Anh hùng LLVT nhân dân Việt Nam, Hội Cựu chiến binh ngành Văn hóa - Thể thao và Du lịch, thế hệ trẻ Việt Nam cùng các đoàn nghệ sĩ, nghệ nhân dân gian, những người làm công tác văn hóa của vùng cao Tây Bắc...
Trong chương trình “Sắc màu Tây Bắc” lần này, mô hình chợ phiên vùng cao, vốn là một điểm đến hấp dẫn du khách trong và ngoài nước sẽ được tái hiện. Tuy không có không gian đồi núi rộng rãi như ở Tây Bắc, nhưng BTC cam kết sẽ cố gắng thiết kế và trang trí khu vực chợ phiên theo đúng môtíp của phiên chợ vùng cao. Tại đây, đồng bào Tây Bắc sẽ giới thiệu và bán các sản vật địa phương như thổ cẩm, rau rừng, măng rừng, mật ong, gạo nương, rượu, thịt trâu hun khói... Đặc biệt, tỉnh Yên Bái ngoài các sản phẩm đặc trưng như đá quý, đá cảnh Lục Yên, Suối Giàng... các nghệ nhân dân tộc Mông sẽ trực tiếp thao tác nghề rèn truyền thống của dân tộc mình tại chợ để giới thiệu với du khách. Một “Phiên chợ Dào San” - là chợ vùng cao điển hình của Lai Châu và cả vùng Tây Bắc bày bán đặc sản lạp sườn, thịt sấy, bánh bỏng, xôi màu, lợn “cắp nách”… cũng được tái hiện.

Đến chợ phiên, du khách sẽ tận mắt chứng kiến chảo thắng cố bên bếp lửa rực hồng, được chứng kiến bà con các dân tộc chế biến món ăn mang hương vị đặc trưng như cơm lam, thịt hun khói, gà nướng, cá nướng, xôi nếp... Không chỉ là nơi mua bán, chợ phiên còn là nơi hò hẹn, giao lưu, múa hát, kết bạn, là nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng.

Bà Nguyễn Thị Hoa, Phó Giám đốc Trung tâm triển lãm Văn hóa nghệ thuật Việt Nam khẳng định, chương trình “Sắc màu Tây Bắc” là hoạt động văn hóa lớn và ý nghĩa nhằm mục đích giữ gìn, phát huy và phát triển những giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc Tây Bắc trong sự nghiệp phát triển chung của cộng đồng các dân tộc Việt Nam; khai thác tiềm năng du lịch; biểu dương sức mạnh đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, phong trào xây dựng nông thôn mới, tăng cường công tác dân tộc thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.


Phương Hà

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN