Thu hoạch cà phê non: Không nên cấm nửa vời!

Là tỉnh có diện tích và sản lượng cà phê lớn nhất nước, ngay từ đầu niên vụ 2010 - 2011, UBND tỉnh Đắk Lắk đã chỉ đạo cụ thể chính quyền địa phương, doanh nghiệp và cá nhân sản xuất kinh doanh cà phê trên địa bàn "lập kế hoạch và tăng cường công tác bảo vệ nghiêm ngặt diện tích cà phê chuẩn bị cho thu hoạch; tuyệt đối không thu hái cà phê xanh vì sẽ làm giảm sản lượng và chất lượng sản phẩm sau thu hoạch.

Các hộ phải bảo đảm tỷ lệ cà phê chín khi thu hái đạt trên 95%; đồng thời, cần có biện pháp xử lý nghiêm đối với các trường hợp, mua bán cà phê xanh, cà phê non". Chính quyền các xã vùng trọng điểm cà phê cũng đã yêu cầu các hộ không được thu hái cà phê xanh; các đại lý nông sản trên địa bàn không được thu mua cà phê xanh…

Tình trạng thu hái cà phê non vẫn diễn ra phổ biến ở Đắk Lắk.


Nhưng những chỉ đạo này xem ra chẳng có hiệu lực! Tình trạng thu hái cà phê xanh ở Đắk Lắk vẫn diễn ra phổ biến và cho đến nay chưa có trường hợp nào thu hái cà phê xanh bị xử lý nghiêm. Ông Y Dzoãn Niê, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Knuêk, huyện Krông Pắk, cho biết: "Chỉ có vài doanh nghiệp thực hiện tốt chỉ thị này.


Chúng tôi dù có thông báo đến tận từng hộ dân, nhưng việc giám sát thực thi thì đành chịu, vì xã không có lực lượng chức năng chuyên trách để kiểm soát việc này".


Không chịu sự ràng buộc nào về pháp lý, không có một chế tài nghiêm, đủ mạnh có thể răn đe, cùng với những bức xúc về tình trạng khan hiếm nhân công, trộm cắp vào mùa thu hoạch…, người trồng cà phê vẫn chọn giải pháp tuốt sạch một lần, khi cà phê mới chỉ đạt tỷ lệ quả chín 50 - 60%. Hơn 80% diện tích cà phê ở Đắk Lắk là của người dân và lâu nay họ vẫn có "thói quen" thu hoạch như vậy.

Tuy nhiên, đó mới chỉ là nguyên nhân trực tiếp. Vấn đề mang tính then chốt là phương thức thu mua của các đại lý, doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cà phê hiện vẫn được thực hiện theo cách "đổ đồng".


Tức là cà phê nhân, dù thu hái xanh hay chín đều được ấn định một mức giá như nhau. Bà H'Tước Niê, chủ nhân của hơn 5 ha cà phê ở buôn Ta Ra, xã Hòa Đông, huyện Krông Pắk phân trần: "Đành phải hái một lần khi cà phê mới chín khoảng 60% thôi. Biết là năng suất giảm, có hại cho cây đấy nhưng nếu đợi chín đến đâu mới hái đến đó thì tốn tiền thuê lao động, trong khi lao động hiện không phải dễ thuê.


Lại còn phải thuê người bảo vệ mấy tháng trời nhưng chưa chắc đã an toàn. Mà dù hái xanh hay chín thì các đại lý cũng chỉ mua một giá thôi, có phân biệt gì đâu?". Chính phương thức thu mua này đã không khuyến khích nông dân từ bỏ thói quen thu hái cà phê xanh.

Để chấm dứt thực trạng thu hái cà phê xanh, cùng với các văn bản pháp lý, UBND tỉnh Đắk Lắk cần có chế tài xử phạt mạnh đối với các trường hợp thu hái cà phê xanh.


Và điều quan trọng hơn cả, nếu các doanh nghiệp kiên quyết nói "không" với cà phê xanh, non và ưu tiên thu mua cà phê chín với giá cao thì chắc chắn người trồng cà phê không ai dại gì mà thu hái quả xanh cả. Khi không có người mua cà phê xanh, ắt sẽ không có người bán, và khi cà phê chín được mua với giá cao hơn thì tự khắc nông dân sẽ chỉ chọn quả chín để thu hái.

Việt Dũng

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN