Ở Hậu Giang có một hộ nông dân đã đầu tư hơn 1 tỷ đồng mua 2 máy gặt đập liên hợp (GĐLH) để gặt lúa thuê (dân địa phương gọi là gặt mướn), mỗi năm thu lãi trên 500 triệu đồng. Đó là ông Lê Hoàng Buôl ở ấp 7, xã Vị Đông, huyện Vị Thủy.
Thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp chi phí thấp, nhanh, ít bị thất thoát. Ảnh: Đình Huệ - TTXVN |
Ông Buôl có hơn 7 ha đất trồng lúa. Mỗi năm đến vụ thu hoạch ông phải chạy ngược xuôi để thuê nhân công cắt, suốt lúa, vừa mất thời gian, vừa tốn nhiều chi phí. Thế là từ năm 2009, ông quyết định mua 1 máy GĐLH và phương tiện vận chuyển với giá 500 triệu đồng, vừa thu hoạch lúa ở nhà, vừa gặt thuê cho những hộ xung quanh. Năm đầu tiên có máy, sau khi thu hoạch xong diện tích lúa của gia đình, ông Buôl còn gặt mướn cho những hộ dân xung quanh, thu lãi trên 200 triệu đồng. Thấy hiệu quả kinh tế khá cao, năm 2010, ông quyết định mua thêm 1 máy gặt nữa với giá hơn 500 triệu đồng, đồng thời mở rộng địa bàn hoạt động sang các khu vực huyện lân cận. Đến cuối năm, gia đình ông thu lãi trên 500 triệu đồng nhờ nghề gặt lúa mướn bằng 2 máy GĐLH.
Thu hoạch bằng máy GĐLH không những mang lại hiệu quả kinh tế cao cho chủ máy, mà nhiều nông dân thuê cũng rất thích do chi phí thấp hơn gặt bằng tay khoảng 2 triệu đồng/ha, thu hoạch nhanh, hạn chế được thất thoát, chất lượng lúa thu hoạch cao hơn, lúa bán được giá cao hơn so với thu hoạch bằng tay thủ công. Thu hoạch bằng máy, chủ máy sẽ làm toàn bộ phần gặt, suốt lúa và vận chuyển lúa ra bờ kênh. Người thuê máy chỉ việc mang lúa về nhà phơi, hoặc bán trực tiếp cho thương lái, đỡ vất vả hơn nhiều so với thuê mướn gặt bằng tay. Ngoài ra, với những diện tích lúa bị đổ, ngã, ngập nước khó thuê nhân công gặt bằng tay, thì máy GĐLH có thể hoạt động tốt với chi phí thấp và ít thất thoát.
Nhờ những hộ dân dám mạnh dạn bỏ vốn đầu tư, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào khâu thu hoạch như ông Buôl mà vụ thu hoạch lúa gần đây ở Hậu Giang đã giảm bớt căng thẳng do thiếu nhân công thu hoạch vào thời điểm chính vụ.
Ngọc Thiện